1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhà nước tiếp tục nắm giữ gần 700/1.300 công ty, tập đoàn

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật, quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, Tcty nhà nước cho thấy, Nhà nước duy trì việc nắm giữ 100% vốn tại 692 trên tổng số 1309 DNNN hiện nay.

Báo cáo này vừa được gửi tới Quốc hội ngày 13/6 cho biết, đến nay cả nước có 11 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty 91 và 80 tổng công ty 90, đa số hoạt động có lãi, với tổng tài sản 1799 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 1.008 nghìn tỷ, bằng khoảng 60% tổng tài sản.

Đến ngày 31/5/2012, Thủ tướng đã phê duyệt 98/101 phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 , đang phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước giai đoạn 2012 – 2015.

Theo đó, trong số 1309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có sẽ tiếp tục duy trì việc nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với 692 doanh nghiệp. 573 DN sẽ được cổ phần hóa (trong đó 30 DN nhà nước sẽ giữ trên 75% vốn điều lệ, 499 DN nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần). 44 doanh nghiệp dự kiến tái cơ cấu bằng các phương thức khác (mua, bán doanh nghiệp, chuyển nhượng một phần vốn tại doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH có 2 thành viên trở lên, bán cho tập thể người lao động).

Nhiều chuyên gia cho rằng, tập đoàn, TCty nào cũng có thể cổ phần hóa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tập đoàn, TCty nào cũng có thể cổ phần hóa.

Với những tập đoàn, TCty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, Chính phủ xác định, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính. Nhà nước kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định.

Chính phủ cũng khẳng định không thực hiện đầu tư đan xen giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, tổng công ty; hạn chế tối đa việc công ty mẹ và các công ty con cùng đầu tư vào một doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Chính phủ sẽ hoàn thiện theo hướng cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Trước hết sẽ xác định cụ thể và phù hợp hơn quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Hoàn thiện chế độ công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính và thông tin kinh doanh, điều hành tập đoàn, tổng công ty theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết. Việc tăng cường trách nhiệm giải trình của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban giám đốc được nhấn mạnh như một giải pháp hiệu quả để quản lý khu vực kinh tế này.

Ngoài ra, một điểm quan trọng Chính phủ xác định là xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao đối với tập đoàn, TCty.

Chính phủ cũng cho biết, trước mắt sẽ quy định rõ hơn việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN giữa Chính phủ, Thủ tướng, bộ quản lý tổng hợp, bộ quản lý ngành, hội đồng thành viên tập đoàn, TCty nhà nước và giám đốc DNNN.

P.Thảo