1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Nhà nước quá nuông chiều “công tử” Vinashin, Vinalines”

(Dân trí) - “Phải chăng do Nhà nước quá nuông chiều các “công tử”này, sẵn sàng cung ứng “bầu sữa” ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này”, đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi.

Các đại biểu thảo luận bên hành lang Quốc hội sáng nay (ảnh: Việt Hưng).
Các đại biểu thảo luận bên hành lang Quốc hội sáng nay (ảnh: Việt Hưng).

Có “phao cứu sinh”, doanh nghiệp chỉ muốn “bao cấp”

Sáng nay, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình triển khai những tháng đầu năm 2012.

Phát biểu tại hội trường, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay: Gần đây dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến các “quả đấm thép” của nền kinh tế, đó là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn kính cẩn nghiêng mình gọi là các “ông lớn, các đại gia”.

“Sau PMU 18, Vinashin nay lại Vinalines..., mỗi doanh nghiệp này đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Cử tri thấp thỏm chờ xem, tiếp theo còn xuất hiện các “Vina” nào nữa?”, vị đại diện này đặt câu hỏi”.

Ông Tiến cho biết, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên đến 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của quốc gia; song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Với thực trạng này, đại biểu Tiến chỉ ra rằng, một số “quả đấm thép” đang tan chảy khiến chúng ta phải tính đến tái cấu trúc, phải nghĩ đến phương thức đầu tư, cách thức quản trị doanh nghiệp. “Phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá nuông chiều các “công tử” này, sẵn sàng cung ứng “bầu sữa” ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này.

Bởi mỗi khi doanh nghiệp “hoạn nạn”, Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài.

Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) cũng đặt câu hỏi, lỗ hổng lớn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liệu còn nhiều nữa không, liệu có phải là yếu tố nội tại của nền kinh tế?

Thận trọng với dấu hiệu giảm phát

Đánh giá báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội đánh giá đúng mức thực trạng của nền kinh tế và khả năng đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng từ 6-6,5% rất khó đạt được. Nếu xét thấy cần thiết, Quốc hội nên xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu, bởi những quyết sách về kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra rất hiệu quả, lạm phát năm 2012 có thể xuống 5 đến 6%.

Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về việc lạm phát giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2012 và đang có dấu hiệu giảm phát. Xu hướng giảm giá hiện nay là do thắt chặt tiền tệ và đầu tư công dẫn đến sức mua giảm mạnh; nền kinh tế đình đốn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, công nhân thất nghiệp, hàng tồn kho tăng cao… Chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng mức sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Giá cả thị trường thiếu ổn định, giá cả vật tư đầu vào tăng trong khi giá cả nông sản (lúa, dừa, cá tra…) giảm gây nhiều bức xúc cho nông dân.

Cũng theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, việc ban hành chính sách tiền tệ, tài khóa cần song song với nhau để đạt được mục tiêu kép đó là kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, đưa dòng vốn vào doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển; cũng như tiếp tục siết chặt, giảm chi tiêu công.

Trước thực trạng của các doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội đề nghị hạ lãi suất ngân hàng phù hợp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nhỏ thực sự có năng lực tiếp cận được nguồn vốn vay. Thay vì quy định trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước nên quy định trần lãi suất cho vay và mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động là 3% để kéo giảm lãi suất và khi đủ điều kiện áp dụng cơ chế lãi suất theo thị trường thì bỏ biện pháp hành chính. Đồng thời, cơ quan điều hành cần phân tích thấu đáo việc ngân hàng giảm lãi suất, điều này có giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được vốn hay chỉ là “tái cơ cấu nợ” ở các doanh nghiệp.

Nguyễn Hiền