1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

Nguy cơ “trắng tay” khi cho vay qua mạng internet

(Dân trí) - Không chỉ người vay bị ép lãi suất "cắt cổ", những người tham gia cho vay trên các hệ thống giao dịch cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ "trắng tay". Nguyên nhân do chưa được pháp luật thừa nhận và tỉ lệ bị "xù" khá cao.

Thấy lợi... mờ mắt?

Hình thức vay tiền qua mạng internet hiện đang phát triển khá mạnh ở các nước châu Âu. Tại Việt Nam, hình thức trên ngày càng phát triển ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Ghi nhận tại TPHCM, hiện nay các nhà đầu tư tham gia góp vốn để kinh doanh bằng hình thức trên khoảng 2.000 người. Người tham gia góp vốn ít nhất khoảng 10 triệu đồng và người tham gia nhiều nhất lên đến hàng tỉ đồng.

Để tham gia vào hệ thống giao dịch, các nhà đầu tư chỉ cần gửi tiền vào hệ thống rồi sau đó nhận lãi suất từ 12 - 15%/tháng. Các nhà đầu tư chỉ việc bỏ tiền vào hệ thống, mọi hình thức giao dịch cho vay và thu hồi nợ "đầu nậu" hệ thống sẽ "tự biên tự diễn".

"Một lần dừng đèn đỏ ở quận Tân Bình, tôi được một nhân viên phát tờ rơi đưa cho một tờ huy động vốn đầu tư tài chính với lãi suất 15%/tháng. Do có nguồn tiền dư gần 200 triệu đồng và tôi thấy đây là hình thức đầu tư có lời nên tham gia. Lúc đầu tôi tham gia 50 triệu đồng và thấy có lời nên giờ tôi tham gia luôn 200 triệu đồng. Hàng tháng hệ thống vẫn trả tiền cho tôi đầy đủ. Giờ mỗi tháng tôi ngồi chơi cũng kiếm hơn 20 triệu đồng", anh Huỳnh (ngụ quận 3) cho biết.

Các công ty cho vay qua mạng internet mở rộng dịch vụ bằng cách phát tờ tơi.
Các công ty cho vay qua mạng internet mở rộng dịch vụ bằng cách phát tờ tơi.
Dù được niêm yết lãi suất cụ thể nhưng các công ty cho vay vẫn tính phí kiểu chợ đen
Dù được niêm yết lãi suất cụ thể nhưng các công ty cho vay vẫn tính phí kiểu "chợ đen"

Cùng tâm trạng như anh Huỳnh, chị L.C (ngụ Bình Chánh) cũng chia sẻ: "Tôi tham gia góp vốn vào website vaynhanhxxx.vn cũng được 5 tháng nay. Lúc đầu tham gia nhiều người cũng nói tham gia đầu tư vào đây nguy hiểm rồi dễ mất trắng tôi cũng lo. Tuy vậy, tôi tham gia góp vốn thấy cũng có lời và họ đều trả lãi hàng tháng. Tôi nghĩ đây là kênh đầu tư hấp dẫn nên tôi định bán miếng đất để lấy 700 triệu đồng tham gia tiếp vào cuối năm nay".

Không chỉ phát tờ rơi để kêu gọi huy động vốn từ các nhà đầu tư, trên các trang mạng của các kênh cho vay cũng khá nhiều người ủng hộ hình thức trên. Ngoài ra, trên các hệ thống đều có nhiều "chim mồi" dùng các nickname "ảo" để kêu gọi các nhà đầu tư với những mức thu nhập "khủng". Nhiều người, dù biết hình thức huy động vốn trên chưa được pháp luật thừa nhận nhưng vẫn tham gia vì thu được số lãi suất cao.

"Giờ làm ăn gì cũng khó khăn, tôi thấy tham gia đầu tư vào việc cho vay này vừa tiện vừa sinh lời cao. Tôi thấy phù hợp thì tôi làm thôi", chị L.C cho biết thêm.

Nguy cơ mất trắng rất cao

Không chỉ người vay tiền, số lượng người tham gia đầu tư vào các hệ thống cho vay cũng ngày một tăng. Có thể nói, mức lãi suất cao là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư "như con thiêu thân" lao vào để kiếm lời. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế thì hình thức đầu tư này mang rủi ro cao và các nhà đầu tư có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã đầu tư.


Anh Huỳnh (ngụ Tân Bình) dù biết hình thức góp vốn với các công ty cho vay qua mạng internet chưa được phép hoạt động nhưng vì lãi suất cao nên vẫn tiếp tục đầu tư.

Anh Huỳnh (ngụ Tân Bình) dù biết hình thức góp vốn với các công ty cho vay qua mạng internet chưa được phép hoạt động nhưng vì lãi suất cao nên vẫn tiếp tục đầu tư.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thắng (chuyên gia kinh tế tại TPHCM) cho hay: "Hình thức cho vay qua mạng internet hiện nay chưa được pháp luật thừa nhận. Do vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động không đúng quy định của pháp luật và người gửi tiền sẽ gặp nhiều gủi ro".

"Nguyên nhân do đây là hình thức cho vay tín chấp và thời gian xét duyệt hồ sơ nhanh, chủ yếu quản lý khách hàng qua các trang mạng xã hội, email và số điện thoại. Do vậy, việc hệ thống không thu hồi được nợ là cực lớn. Dù mức lãi suất cao đến 25% cũng không thể bù đắp được rủi ro khi xảy ra sự cố đối với người tham gia góp vốn", ông Thắng nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Toàn (chuyên gia kinh tế tại TPHCM) cho rằng: "Cần lưu ý rằng hầu hết những người tìm đến các website này thông thường là không vay tiền được tại các ngân hàng hoặc công ty tài chính do có “vấn đề” trong hồ sơ. Do đó, việc xảy ra rủi ro là khá cao. Rủi ro thứ nhất là công ty tài chính có thể gặp “bùa chú” trong hồ sơ của khách hàng vay nên có thể dẫn đến nợ xấu là cực kỳ cao. Mặt khác, việc thu hồi nợ khó do có khi khách hàng không ở tại địa chỉ lúc nộp hồ sơ vay".

Cũng theo ông Toàn, các công ty tài chính thường "biện hộ" rằng họ chịu sự quản lý của luật các tổ chức tín dụng và luật doanh nghiệp trong khi quy định “Không được cho vay vượt 150% so với lãi suất cơ bản” lại thuộc luật dân sự. Khi xảy ra tranh chấp họ cũng bao biện rằng đây là hợp đồng tự nguyện của 2 bên, nếu đã ký thì phải chịu trách nhiệm. Đây là hành động khá tệ bạc và mang tính chụp giật trong kinh doanh hiện nay của thị trường cho vay tín chấp.

"Đối với các khoản vay có giá trị dưới 50 triệu đồng thì các tổ chức thường không kiện ra tòa do chi phí khởi kiện sẽ cao hơn rất nhiều và nếu có thắng kiện cũng khó thu hồi được tiền. Họ thường âm thầm hù dọa khách hàng hoặc có thể liên kết 1 số tổ chức đòi nợ không phải luật sư. Trường hợp nợ xấu thì tổ chức tín dụng sẽ trích lập dự phòng từ lợi nhuận của họ. Nếu thị trường lao động phát triển bình thường thì sẽ không sao, trường hợp phá sản hàng loạt hoặc người lao động có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thì rủi ro trong cho vay tiêu dùng (phần lớn là tín chấp) sẽ gặp rủi ro cực kỳ cao", ông Toàn nhấn mạnh.

Quốc Cường