1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người thành phố xoay đủ cách "kiếm" thực phẩm sạch

(Dân trí) - Câu chuyện người tiêu dùng vì lo lắng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà quanh năm ăn đồ đông lạnh, cuối tuần phải mang vác thực phẩm từ quê ra lâu nay đã không còn là chuyện xa lạ với người dân thành phố.

 

Thịt đông lạnh, rau siêu thị giá cao đang dần chiếm lĩnh tủ lạnh các hộ gia đình.
Thịt đông lạnh, rau siêu thị giá cao đang dần chiếm lĩnh tủ lạnh các hộ gia đình.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Cả năm không bước chân tới chợ

Câu chuyện người tiêu dùng vì lo lắng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà quanh năm ăn đồ đông lạnh, cuối tuần phải mang vác thực phẩm từ quê ra lâu nay đã không còn là chuyện xa lạ với người dân thành phố. Cũng không hiếm những người cả năm cả tháng không bước chân ra tới cổng chợ cóc gần nhà. 

Chị Hoàng Ánh Tuyết (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Quê ngoại nhà tôi ở ngay ngoại thành, nên hàng tuần tôi vẫn về mua rau quả, thịt cá để mang ra ngoài này để tủ lạnh ăn cả tuần. Nhà có con nhỏ và người già nên tôi hầu như không dám mua đồ ngoài chợ không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng thực phẩm”.

Khá giả hơn, nhiều gia đình còn thuê ruộng, thuê người hoặc thậm chí mua hẳn đất ở ngoại thành để “tự cung tự cấp” thực phẩm sạch cho yên tâm. 

Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) thuê đất lập một trang trại nhỏ ở gần Bát Tràng để trồng rau, nuôi cá, nuôi lợn gà. Tuy tốn kém hơn rất nhiều nhưng anh Tùng cho hay: “Tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, dù sao sức khoẻ vẫn là quan trọng nhất”. 

Chọn giải pháp giống anh Tuấn, chị Nguyễn Minh Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “3 năm nay, mỗi năm tôi và một người bạn nữa bỏ ra 30 triệu đồng thuê 5 sào ruộng ở ngoại thành để trồng rau. Mỗi tháng phải trả cho người trồng 7 triệu đồng, chưa kể các chi phí giống rau, phân bón…”

Đối với những người dân thành phố không có điều kiện để mua được thực phẩm sạch tại quê thì các giải pháp an toàn như tự trồng trong thùng xốp, mua đồ trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, mua từ bạn bè người thân với giá cao hơn. 

Hoặc không có điều kiện nữa thì người tiêu dùng sẽ cố gắng trang bị cho mình một số kiến thức để lựa chọn những thực phẩm an toàn từ chợ, chọn cách mua của những người bán quen thuộc, có thể tin cậy.

Anh Dương Hùng (Đống Đa, Hà Nội) nhìn nhận: "Theo tôi nếu thực phẩm ở quê mà nhà nuôi trồng được thì tốt chứ nếu cũng mua ở chợ quê thì cũng không khác gì mua ở thành phố, thậm chí còn tệ hơn. Có trách thì trách các cơ quan ban nghành vì họ không kiểm soát và quản lý được các nguồn thuốc tăng trọng, kích thích, bảo quản, hóa chất... Quản lý của nhà nước ta vốn rất yếu kém và sẽ khó mà thay đổi được, người dân tránh được cái gì thì tránh còn nếu không thì phải chấp nhận”. 

Câu trả lời từ người đứng đầu ngành

Câu chuyện thực phẩm sạch cũng một lần nữa được xuất hiện tại nghị trường. Tại phiên chất vấn tuần trước, Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tới người đứng đầu ngành nông nghiệp là làm sao để có nông sản sạch trong điều kiện sản xuất nhỏ?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng tôi coi nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi làm hết sức quyết liệt đối với chương trình này trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm”.

Theo Bộ trưởng Phát, Bộ đã xây dựng và ban hành 36 thông tư, 9 quy chuẩn, 20 tiêu chuẩn, 1 chỉ thị để tạo khung pháp lý triển khai, thực hiện. Đồng thời, triển khai hàng loạt những chương trình cũng với các địa phương. 

"Chúng tôi thấy rằng nông sản nông dân tự sản xuất cho chính mình tương đối đảm bảo. Nhưng nông sản để lưu thông trên thị trường, đặc biệt vào các thành phố, khu công nghiệp trong một số trường hợp có ô nhiễm”, Bộ trưởng thừa nhận. 

Về kết quả thực hiện siết chặt giám sát, Bộ trưởng cho hay, trong năm vừa qua kết quả giám sát như sau: Đối với thịt phát hiện được 6,8% có nhiễm chất kháng sinh vượt mức cho phép, đối với thủy sản là 1,24%, đối với rau là 5,4%. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: “Thường chúng ta chỉ nghe về những sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm nên một số người có cảm giác toàn bộ nông sản của chúng ta không an toàn, điều đó hoàn toàn không chính xác. Chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD đến hơn 150 nước trên thế giới. Trong đó có Nhật, Mỹ, EU là những nơi yêu cầu rất nghiêm ngặt nhưng vẫn được chấp nhận”. 

"Chúng tôi không chỉ giám sát xuất khẩu, chúng tôi giám sát kể cả tiêu dùng. Đối với tôi, tôi luôn luôn chỉ đạo trong ngành, quan trọng nhất vẫn là sự an toàn và cuộc sống của 90 triệu người Việt Nam, chúng tôi chỉ đạo theo tinh thần đó. Làm thế nào để nâng cao tính an toàn, trước hết là phổ biến cho nhân dân áp dụng các quy trình kỹ thuật đúng. Tiếp đến là phát triển sản xuất theo chuỗi để có sự giám sát”, ông Phát nói thêm.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết thêm rằng, vừa qua Bộ đã ban hành một loạt các chỉ thị và tới đây sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để thực thi và đặc biệt là liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội hình thành những chuỗi cung ứng nông sản sạch cho nhân dân.

 Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”