1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghị định 116/CP: Cơ hội bứt phá của sản xuất ô tô nội địa ?

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng tạo ra cơ hội mới trong phát triển hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ô tô ngay tại Việt Nam, thay vì lép vế trước cơn lũ ô tô nhập khẩu.


Nghị định 116 cũng siết mạnh các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Nghị định 116 cũng siết mạnh các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Sản xuất trong nước có cơ hội

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng Nghị định 116 đã được ban hành và có hiệu lực ngay ngày 17/10/2017 được cho là tín hiệu vui, giúp tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô - vốn có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết cho hàng trăm nghìn lao động hiện nay.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy, khi có các chính sách phát triển phù hợp (trong đó có kiểm soát xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo vệ sản xuất, lắp ráp trong nước) và thị trường trong nước đủ lớn, công nghiệp ô tô sẽ mang lại những lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế, xã hội và trình độ khoa học - công nghệ.

Trên thực tế, nếu không có chính sách nhằm phát triển sản xuất công nghiệp ô tô tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam xuống 0%, nguồn xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ khiến thị trường Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm của các nước láng giềng.

Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành ô tô và sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, gây tổn tại cực lớn đối với nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, nếu lượng xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50% thì kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2025 dự kiến đạt 12 tỷ USD và năm 2030 sẽ tăng lên 21 tỷ USD, góp phần làm gia tăng nhập siêu, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên bởi ô tô là sản phẩm đặc biệt, nên Nghị định 116 cũng siết mạnh các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Theo Điều 7 của Nghị định, doanh nghiệp nào muốn sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải đạt những điều kiện nhất định thì mới được tham gia. Cụ thể là muốn sản xuất lắp ráp ô tô, doanh nghiệp phải đạt hàng loạt điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất, các cơ sở bảo hành, an toàn cháy nổ, an toàn về môi trường… Đặc biệt về nhân sự, thì cán bộ kỹ thuật phụ trách các dây chuyền phải có trình độ đại học trở lên và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp tối thiểu 5 năm thì mới được chấp nhận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì quy định này cũng làm cho người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn và hạn chế bớt doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô cũng bị ràng buộc trách nhiệm rất cụ thể trong việc thu hồi tất cả những ô tô thải bỏ (có thể hiểu là ô tô còn hạn sử dụng nhưng hư hỏng quá nặng hoặc ô tô đã hết hạn sử dụng). Quy định này làm tăng trách nhiệm đối với môi trường của các doanh nghiệp trong ngành ô tô đồng thời làm lợi cho môi trường sống của người dân.

Hiện cả nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất. Trong số này đã nổi lên 1 số doanh nghiệp đã có đầu tư mạnh cho sản xuất ô tô tại Việt Nam như Trường Hải, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam hay gần nhất là các dự định đầy tham vọng của Công ty ô tô Vinfast.


Nghị định mới sẽ hạn chế bớt doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường ô tô

Nghị định mới sẽ hạn chế bớt doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường ô tô

Theo kế hoạch tăng tốc đầu tư tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải giai đoạn 2016 -2018, Trường Hải có kế hoạch đầu tư mới 30.470 tỷ đồng cho xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển..., trong kế hoạch này, hoạt động đầu tư được triển khai chủ yếu trong năm 2017 và 2018, với hơn 24.000 tỷ đồng.

Mục tiêu là tới năm 2018, Trường Hải sẽ có 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 5 doanh nghiệp logistics và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, hậu cần. Cùng với hoạt động đầu tư chiều sâu này, số lao động trong chuỗi giá trị của Trường Hải sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay sẽ tăng lên 150.000 người sau năm 2018. Số doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện cũng sẽ được mở rộng mạnh mẽ.

Với Công ty Ô tô Hyundai Thành Công, sau việc thành lập liên doanh lắp ráp ô tô du lịch tại Ninh Bình hồi tháng 3/2017, vào tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Hyundai Motor tiếp tục chọn Tập đoàn Thành Công là đối tác duy nhất trong khu vực để hợp tác liên doanh sản xuất lắp ráp các dòng xe thương mại mang thương hiệu Hyundai từ tháng 9/2017.

Các kế hoạch này sẽ giúp hình thành một tổ hợp sản xuất ô tô với quy mô vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng và tạo ra việc làm cho hơn 8.000 lao động sẽ được hình thành tại Ninh Bình, vừa cung cấp xe Hyundai cho thị trường nội địa, đồng thời xuất khẩu sang các nước ASEAN khác mà Hyundai chưa có cơ sở sản xuất.

Còn với Vinfast, kế hoạch sản xuất 100.000 xe ô tô ngay trong năm đầu tiên vào hoạt động và tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% đang tạo ra sự hâm mộ từ những trái tim yêu Việt Nam.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việc xiết chặt các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nghị định 116 không chỉ giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, làm nâng cao vị thế của ngành ô tô trong nước mà cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Khi doanh nghiệp tự điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện của nghị định, thì cũng có nghĩa là đã tự nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài. Và những doanh nghiệp yếu kém cũng không còn đất sống, khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày càng vươn lên.

Về phía người tiêu dùng, việc siết chặt điều kiện với doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuần túy cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng trong việc sử dụng một sản phẩm liên quan đến an toàn, tính mạng của nhiều người như ô tô.

Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các điều kiện rất chi tiết. Đó là phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Doanh nghiệp cũng phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Bộ Công thương cũng là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Việc tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp được thực hiện khi doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm bảo hành, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác tài liệu hướng dẫn sử dụng theo quy định hay không cung cấp sổ bảo hành, hoặc cung cấp điều kiện bảo hành thấp hơn so với điều kiện bảo hành mà Nghị đình đặt ra.

Nếu sau 6 tháng kể từ ngày bị tạm dừng Giấy phép kinh doanh nhập khẩu mà doanh nghiệp không khắc phục được sẽ bị thu hồi Giấy phép chính thức.

Nghị định 116/2017/NĐ-CP cũng cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Sau đó, phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ được nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP

“Nếu nới lỏng điều kiện nhập khẩu, không bắt buộc nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo hành, bảo dưỡng cũng như không bắt buộc nhà sản xuất nước ngoài phải cam kết trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị phát hiện lỗi, khiến người tiêu dùng có nguy cơ bỏ rơi khi gặp sự cố là điều khó chấp nhận được”, Luật sư Trần Đình Thu, hội viên Hội Luật gia Việt Nam nhận xét.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia thị trường nhập khẩu ô tô có thể giảm so với hiện nay, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm đó lại làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng, vì đó sẽ là những doanh nghiệp có tiềm lực yếu, có ít kinh nghiệm nhập khẩu hoặc có thể chưa bao giờ tham gia thị trường nhập khẩu ô tô. Đồng thời hai điều kiện nói trên khiến những doanh nghiệp đã và đang có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh cũng phải tìm kiếm các nhà sản xuất uy tín ở nước ngoài để làm đối tác, không chọn những nhà sản xuất hay thương hiệu ô tô ít có tiếng tăm ở nước ngoài để nhập khẩu.

Nói một cách tổng quát, quy định mới này có ý nghĩa, không phải cứ có tiền là nhập khẩu ô tô về để bán tràn lan một cách vô tội vạ, sau đó người tiêu dùng gánh chịu hậu quả, mà phải có sự sàng lọc đầu vào, và chịu trách nhiệm trong toàn bộ đời sống sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ có doanh nghiệp mạnh, làm ăn uy tín mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô.

Hà Anh