1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngăn quả bom nợ xấu… nổ sớm

Các quy định mới đây của NHNN về phân loại tài sản có thực tế hướng đến việc xác định rõ hơn rủi ro của những khoản mục mang bản chất tín dụng và ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu có thể phình to…

Ngân hàng cần có các biện pháp tích cực để ngăn ngừa nợ xấu.
Ngân hàng cần có các biện pháp tích cực để ngăn ngừa nợ xấu.
 
Hài lòng

Chỉ ít ngày sau khi được công bố rộng rãi, những nội dung cơ bản của thông tư 02/NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng nhằm xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của giới đầu tư cũng như của chính các nhà băng. So với các quy định được ban hành và áp dụng đến nay, nội dung của văn bản mới được nhìn nhận theo hướng thắt chặt và phản ánh đúng bản chất hơn hoạt động của hệ thống ngân hàng (NH).

Phân tích của nhóm chuyên gia chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, phạm vi điều chỉnh được mở rộng và bao quát tới nhiều hoạt động của NH hơn. Nhiều đối tượng được đưa vào nhóm nợ xấu (nhóm 3 - 4 - 5) và chỉ số “tỉ lệ cấp tín dụng xấu” mới được đưa ra cùng với chỉ số tỉ lệ nợ xấu. Hơn nữa, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được quy định chi tiết hơn và hệ thống đánh giá xếp hạng tín dụng chung được xây dựng trong toàn hệ thống thông qua CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng).

“Với những bổ sung này, chúng tôi cho rằng các khoản mục mang bản chất tín dụng sẽ được phản ánh đầy đủ hơn khi phân loại, theo đó rủi ro từ các khoản vay cũng được xác định chính xác hơn” – phân tích của VCBS cũng tin rằng, điều này sẽ giúp cho NH trích lập dự phòng đầy đủ hơn và giảm thiểu được các tác động tiêu cực khi rủi ro nợ xấu xảy ra.

Ở khía cạnh khác, việc thực thi theo các quy định mới sẽ giúp phần nào hạn chế được tình trạng sở hữu chéo vốn đang là vấn đề nóng bỏng trong các tổ chức tín dụng (TCTD) và giữa các TCTD và doanh nghiệp. Bao quát hơn- theo các phân tích, các quy định mới này nâng cao tính khách quan, minh bạch hóa và sự thống nhất trong việc phân loại của các NH thông qua bên thứ ba là CIC và từ đó hỗ trợ sự quản lý của NHNN.

Bom đang chờ nổ?

Đặt trong bối cảnh nợ xấu đang trở thành vấn đề nóng bỏng và nhức nhối- của không chỉ riêng ngành NH mà của cả nền kinh tế- giải pháp trên của NHNN mang định hướng dự phòng và ngăn ngừa tình trạng nợ xấu có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2013. Đồng thuận với quan điểm về hạn chế sở hữu chéo của VCBS, nhóm phân tích viên của chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận, thách thức đối với hệ thống tài chính năm 2013 vẫn là nợ xấu và đặc biệt nợ xấu phát sinh trong mối quan hệ sở hữu chéo. “Xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2013, khi tỉ lệ nợ xấu thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với mức 4,49% mà NHNN công bố cuối tháng 10.2012” – nhóm phân tích BSC đưa ý kiến.

Có ý kiến gây sốc vừa được một tổ chức đầu tư đưa ra cho rằng, quả bom nợ xấu đã không nổ trong năm 2012 sẽ rất có thể phát nổ trong năm 2013. Bởi ngoài thực tế nợ xấu năm 2012 tăng mạnh và đang có xu hướng ngày càng tăng, con số nợ xấu cũng rất khác nhau- biến động từ 119.139 tỉ đồng (4,49%) đến 8,82% theo số liệu của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và tới 11-13% theo ước đoán của các tổ chức tài chính nước ngoài.

Do đó, ngoài các giải pháp cơ cấu lại nợ và thành lập một Cty mua bán nợ, tài sản (AMC) nhằm giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay, việc sớm đưa ra các giải pháp ngăn ngừa sự phát nổ của nợ xấu trong năm 2013 là hết sức cần thiết. Chính vậy, bức tranh nợ xấu của NH được nhìn nhận sẽ rõ ràng hơn trong năm nay và áp lực tái cơ cấu cũng sẽ mạnh mẽ hơn và hệ thống NHTM theo đó sẽ chứng kiến những xáo trộn lớn hơn. Năm 2013 theo nhận định của BSC, sẽ là năm khó khăn đối với ngành NH với một loạt những thực trạng như nợ xấu thực tế tăng cao hơn so với công bố và nhiều NH đứng trước nguy cơ mất vốn chủ. “Các NH cũng sẽ phải trích lập dự phòng cao  trong năm 2013 với các khoản nợ nhóm 3-5 ngày một tăng và không thể giấu” – BSC đưa ý kiến.

Với hàng loạt những thực trạng khó khăn trên đây, vấn đề lớn nhất của hệ  thống NH là nợ xấu vẫn chưa bộc lộ hết, cũng như chưa được xử lý mạnh trong năm 2012 và được dự báo sẽ là tâm điểm của 2013.
Theo Văn Nguyễn