1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng tăng áp lực về lợi nhuận

Sau đợt cắt giảm lãi suất tiết kiệm VND, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại, trong khi tình hình cho vay cũng chưa khả quan. Đó là những khó khăn để các ngân hàng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm trong những tháng còn lại.

Ngân hàng tăng áp lực về lợi nhuận - 1
Áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm đè nặng lên các ngân hàng khi tình hình cho vay vẫn chưa khởi sắc.
 
Mặc dù 6 tháng đầu năm đã thực hiện xấp xỉ 50% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm, song trước bối cảnh hoạt động cho vay chưa thực sự khởi sắc trong tháng 7, các ngân hàng đang đứng trước áp lực lớn về việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, vì nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận vẫn chủ yếu kỳ vọng từ tín dụng.
 
Cụ thể, LienVietBank vừa đưa ra con số lợi nhuận trước thuế tính đến ngày 10/7/2010 là 350 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2010, ngân hàng này đặt kế hoạch 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 2 quý hoạt động đầu năm, LienViet Bank mới thực hiện được hơn 30% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
 
OCB cũng cho biết, nửa đầu năm 2010, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng thu về mới đạt 174 tỷ đồng, so với kế hoạch đặt ra cho cả năm nay là 400 tỷ đồng.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2010, TrustBank đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động ngân hàng. Theo kế hoạch đã thông qua đầu năm, TrustBank dự kiến thu về 290 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó 190 tỷ đồng từ hoạt động ngân hàng và 100 tỷ đồng từ các hoạt động khác.
 
Trong khi đó, các ngân hàng không thể mạnh tay cắt giảm lãi suất đầu ra khi chi phí đầu vào chưa thể điều chỉnh tương ứng. Đồng thời, vốn huy động cũng không dồi dào như trước.
 
Sau đợt cắt giảm lãi suất tiết kiệm VND trong 2 tuần đầu tháng 7/2010, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại còn tình hình cho vay cũng chưa khả quan.
 
Nguồn thu đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của các nhà băng vẫn là từ hoạt động cho vay. Đơn cử, 6 tháng đầu năm, Eximbank đã thu về 918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm (chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2010 của Eximbank là 2.200 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm trước là 1.500 tỷ đồng).
 
Tuy nhiên, việc Eximbank đạt được 918 tỷ đồng lợi nhuận là nhờ cho vay tới 42.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (tăng trưởng 11% so với cuối năm 2009), trong khi các nguồn thu nhập liên quan đến vàng, đầu tư cổ phiếu và trái phiếu không còn, lợi nhuận kinh doanh ngoại hối sụt giảm mạnh.
 
Trong những năm qua, các ngân hàng đã từng bước cố gắng giảm dần tỷ trọng thu từ tín dụng, tăng thu dịch vụ, nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng hiện vẫn hạn chế.
 
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà băng cho biết, việc có hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay hay không phụ thuộc vào khả năng cải thiện hoạt động tín dụng trong 5 tháng cuối năm. Vì thế, lúc này, các ngân hàng chưa thể khẳng định điều gì, bởi kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh trong 2 quý còn lại là không dễ thực hiện.
 
Theo dự báo, diễn biến thị trường thời gian tới sẽ không mấy thuận lợi cho việc phát triển hoạt động cho vay. Mặt khác, việc phát triển tín dụng của các ngân hàng cũng phải được cân nhắc kỹ hơn về hiệu quả sử dụng vốn kể từ khi quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2010).
 
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 25% năm 2010 như Ngân hàng Nhà nước đề ra.
 
Theo ông, chính sách tiền tệ hiện nay là thắt chặt, trong đó biện pháp chủ yếu là thông qua lãi suất.
 
Theo Vân Linh
Báo Đầu tư