1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng dồn dập giảm lãi suất cho vay

(Dân trí) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên gấp 3 lần, các ngân hàng đã dồn dập giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất này sẽ dao động trong khoảng 19 - 20% kể từ ngày 1/9 tới.

Quyết định “hai trong một”

Chính quyết định “hai trong một” giữ nguyên lãi suất cơ bản VND, đồng thời nâng lãi suất tiền gửi bắt buộc lên gấp 3 lần của Ngân hàng Nhà nước là “đòn bẩy” khiến các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Theo thông báo từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kể từ ngày 1/9 tới, ngân hàng này đồng loạt áp dụng mức lãi suất 20% đối với tất cả khách hàng hiện đang có quan hệ tín dụng tại BIDV (giảm 0,4% so với mức lãi suất 20,4% hiện tại).

Bên cạnh đó, BIDV còn giảm lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng là: 19%, 18,8% và 18% đối với Tổng Công ty lương thực miền Nam để thực hiện công tác thu mua lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong những ngân hàng “mạnh tay” trong việc giảm lãi suất cho vay lần này là Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank). Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc ngân hàng cho hay: “Hưởng ứng quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, “một quyết định: hai trong một” tốt cả vi mô lẫn vĩ mô”, kể từ ngày 1/9, LienVietBank sẽ hạ lãi suất cho vay ưu đãi xuống 19%/năm đối với khách hàng”.

Cũng kể từ ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND, với mức giảm lớn nhất lên tới 1,525%/năm. Các khách hàng truyền thống, kinh doanh trong lĩnh vực trọng yếu, có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 19,475%/năm.

“Nhanh tay” hơn, trong chiều 29/8, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã áp dụng ngay chính sách lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất ưu đãi giảm so với trước đây từ 0,5% - 1% đối với cho vay VND.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ: “Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và ổn định thị trường.

Chúng tôi ủng hộ chủ trương này bằng việc giảm một phần lãi suất cho vay áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu, mặc dù bản thân các ngân hàng cũng còn nhiều khó khăn”.

Không chỉ đua nhau giảm lãi suất cho vay bằng VND, nhiều ngân hàng còn giảm mạnh lãi suất cho vay bằng USD như: Techcombank giảm từ 2 - 2,5%; BIDV áp dụng cho những khoản vay ngắn hạn mới, giảm tối đa là 1%, tối thiểu là 0,5%, xuống còn 6,5 - 7,5% tùy thời hạn.

Chưa có quyết định cụ thể nhưng một số ngân hàng TMCP đang tính toán mức giảm lãi suất cho vay phù hợp với “sức khỏe” của chính mình.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) nói: Với quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, ABBank đang xem xét giảm lãi suất cho vay để góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh; đặc biệt đối với nhóm khách hàng chiến lược của chúng tôi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Lạm phát cả năm 2008 có thể từ 29 - 33%?

Có thể nói rằng, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước đã là câu trả lời xác đáng nhất đối với những dự đoán về khả năng giảm lãi suất cơ bản trong khoảng 1 tuần vừa qua.

Một số chuyên gia tài chính bày tỏ: Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản trong thời điểm hiện nay là điều cần thiết và thể hiện sự thận trong trong điều hành chính sách của một cơ quan ngang Bộ (theo Nghị định số 96/2008/NĐ-CP của Chính phủ).

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank nói: “Lãi suất cơ bản giữ nguyên 14% là hợp lý vào thời điểm này, thể hiện sự thận trọng cần thiết của Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục kiểm soát lượng cung tiền và khống chế lạm phát”.

Công bố của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 1,56%, đưa tổng mức lạm phát 8 tháng đầu năm lên tới 22,14%. Đây chính là lý do vì sao lãi suất cơ bản giữ nguyên trong tháng 9.

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH & ĐT), từ nay đến cuối năm, CPI của cả nước sẽ có 2 kịch bản:

- Kịch bản khả quan nhất, dựa trên cơ sở kinh tế Mỹ phục hồi, giá lương thực ổn định, mặt hàng then chốt không tăng giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt… thì dự báo lạm phát trung bình sẽ khoảng 1,2 - 1,8%/tháng. Tính chung lại, lạm phát cả năm sẽ ở mức 29 - 30,5%.

- Kịch bản bi quan, căn cứ trên nguy cơ dịch bệnh, giá gạo thế giới duy trì ở mức cao, giá dầu diễn biến phức tạp; tại Việt Nam, vốn FDI vào mạnh, chưa kể nguồn kiều hối dồn dập cuối năm làm tăng mạnh lượng tiền trong lưu thông, gây áp lực cân đối tiền - hàng... Trong bối cảnh bất lợi này, các nhà dự báo cho rằng, CPI các tháng còn lại sẽ ở mức 1,7 - 2,2%, đẩy lạm phát cả năm lên 31,% - 33%.

Nguyễn Hiền