1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năng lực canh tranh Việt Nam tăng hạng nhưng vẫn xếp sau 4 nước ASEAN

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, kết quả, Việt Nam đã tăng hạng đứng thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Điểm năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm nay được 4,4 điểm so với 4,31 năm ngoái.

Theo đó, WEF đánh giá, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Bên cạnh đó, ngoại thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu.

Việt Nam vẫn đi sau các nước ASEAN 4

Đánh giá của WEF đưa ra đầy triển vọng đối với Việt Nam song không quên nói về thứ bậc của các nền kinh tế ASEAN. Nếu so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. WEF đánh giá thứ hạng rất cao thuộc về nền kinh tế Singapore (thứ 3), Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32), Indonesia dù bị WEF đánh giá tụt hạng nhưng vẫn xếp ở hạng (36/137 nền kinh tế), cao hơn khá nhiều so với Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng hạng nhưng chỉ so với chính chúng ta chứ chưa thể so với các nước khác (Ảnh minh hoạ)
Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng hạng nhưng chỉ so với chính chúng ta chứ chưa thể so với các nước khác (Ảnh minh hoạ)

Kết quả này cho thấy, năng lực kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đi sau các nước ASEAN về khá nhiều chỉ số, cho dù đã có cải cách thời gian qua. Tuy nhiên, với kết quả trên, các nước trong khu vực có những cải cách hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Với đánh giá của WEF, mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 Việt Nam phải đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới) sẽ ngày càng thách thức. Nếu muốn lọt vào top 4 nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất ASEAN (ASEAN – 4), Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa.

Bình luận về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho hay: Đặt vấn đề năng lực cạnh tranh không chỉ đo đếm trong thời gian ngắn và một vài chỉ số, một vài quyết sách mà bằng hiệu quả thực tế và chính sách đi vào cuộc sống đến đâu. Năng lực cạnh tranh cần đánh giá trong thời gian dài và năng lực cạnh tranh động, năng lực mềm của nền kinh tế: như hiệu quả vốn đầu tư, khả năng tiêu dùng của nền kinh tế, độ nhanh nhạy về tư duy quản lý lẫn giải quyết thủ tục hành chính…

Vị chuyên gia này nói rõ, trong khi Việt Nam cải cách một vài vấn đề hoặc cải cách được coi là nhanh chóng, có tính lịch sử như Bộ Công Thương quyết định xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh thì các nước trong khu vực đã loại bỏ thậm chí họ không cho phép các ĐKKD này tồn tại từ khá lâu. Họ cải cách đi vào những cái động viên, khích lệ và tạo giá trị gia tăng trong nước chứ không phải là “gỡ”, “phá” từ những cái chúng ta tự tạo ra rồi tự đập đi.

Xây “Đặc khu kinh tế” giúp tăng năng lực cạnh tranh?

Cũng theo một vài chuyên gia độc lập, năng lực cạnh trong nền kinh tế đã và sẽ có hiệu quả hơn trong thời gian tới khi Việt Nam thông qua chiến lược phát triển đặc khu kinh tế (Luật đơn vị Kinh tế, hành chính đặc biệt), từ đây dựa vào chính sách ưu đãi tối đa, chúng ta sẽ thu hút được các DN, doanh nhân lớn nước ngoài sẽ phải cân nhắc bỏ tiền vào đầu tư ở Việt Nam. Đồng thời, những động thái cải cách chi tiêu thường xuyên, chi đầu tư và phát triển tư duy kiến tạo của Chính phủ cũng khiến niềm tin đầu tư tăng trở lại.

Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia lo ngại bởi Việt Nam đi sau hàng chục năm so với các nước trong khu vực, do đó chính sách đột phá, thủ tục hành chính và ưu đãi phải cao hơn mới có thể thu hút được những tập đoàn lớn, những dự án tỷ đô.

Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đã xây dựng các đặc khu, vấn đề sống còn hiện nay là cạnh tranh về thuế, đất đai và chiến lược phát triển rõ ràng, dài hạn. Đây là điều tối quan trọng để thuyết phục các nhà đầu tư khi so sánh Việt Nam với các đối tác khác.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Việt Nam giải quyết vấn đề đặc khu quá muộn, nếu quyết định muộn hơn nữa chắc chắn chúng ta không thể có được đặc khu. Hiện chính sách thể chế ưu đãi mà Việt Nam xây dựng, cởi bỏ thì các nước làm từ khá lâu và có hiệu quả rồi. Hệ sinh thái hoàn chỉnh cho đặc khu cần được thiết kế mới nhằm biến nơi đây thực sự là “tổ” cho đại bàng, những tập đoàn cá mập trên thế giới.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thừa nhận: Mặc dù còn những hạn chế nhưng bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng tốt, cán cân thanh toán cân đối, tỷ giá được điều hành tốt... Đây có lẽ là tiêu chí và lợi thế của kinh tế Việt Nam so với nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, nếu muốn nhìn thấy hiệu quả cải cách, chúng ta cần độ trễ về thời gian và cố gắng làm nhiều hơn nữa để đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.

Nguyễn Tuyền