1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Năm 2017: Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 32 bậc

(Dân trí) - Theo tin từ Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) vừ công bố kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của 190 nền kinh tế trên thế giới (báo cáo Doing Business 2018). Một thông tin đáng chú ý từ báo cáo này, là chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có sự thăng tiến mạnh.


Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện nhanh chóng

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện nhanh chóng

Theo kết quả đánh giá, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất từ năm 2013 đến nay.

So sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì với kết quả trên, Việt Nam cũng là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực. Với đánh giá này, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đạt và vượt so với yêu cầu về thứ hạng tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 (trong đó mục tiêu về chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 là thứ hạng 70).

Chỉ số Tiếp cận điện năng là 1 trong 5 chỉ số được Doing Business đánh giá có thay đổi tích cực giúp cho chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016.

Với mức tăng là 6,46 điểm so với 2016, Tiếp cận điện năng là chỉ số xếp thứ nhì trong các chỉ số có mức độ cải thiện xếp hạng tốt nhất (chỉ sau chỉ số về Nộp thuế) so với nhiều chỉ số khác như báo cáo đánh giá. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện trong phạm vi công việc của ngành Điện lực thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực (chỉ xếp sau Brunei).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Phải ghi nhận ngành điện thời gian gần đây đã tập trung cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận điện năng. Doing Business cũng ghi nhận những thay đổi trong thanh toán của ngành điện giúp mọi giao dịch thuận tiện hơn".

"Điểm đáng ghi nhận nữa là ngành này đã tập trung quan tâm hơn đến nhu cầu của khách hàng sử dụng điện. Các chương trình đánh giá sự hài lòng của khách hàng, các chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng cũng nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp", ông Tuấn nhận xét.

"Khảo sát của VCCI những năm gần đây cho thấy, việc áp dụng hóa đơn điện tử, thanh toán online, tra cứu thông tin trên mạng… là những chuyển biến đáng ghi nhận. Việc chỉ số tiếp cận điện năng thay đổi không còn liên quan đến vấn đề của một ngành công thương mà còn là vấn đề về môi trường kinh doanh của đất nước. Rõ ràng, những việc họ đã làm được thời gian qua đã được những nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao", ông Tuấn nói.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí, và là năm thứ 2 được Doing Business ghi nhận có các cải cách lớn. Sau 4 năm (từ năm 2013 đến 2017) thực hiện cải cách và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong vấn đề Tiếp cận điện năng, Việt Nam đã từng bước cải thiện xếp hạng qua từng năm, tăng 92 bậc từ vị trí 156 (năm 2013) về vị trí 64 (năm 2017).

Như số liệu của Doing Business công bố cho thấy chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện nay thậm chí còn có mức độ xếp hạng cao hơn cả với một số quốc gia có kinh tế phát triển như Trung Quốc (98), Canada (105), Mexico (92), Israel (77), Hungary (110), Romania (147), Ukraina (128) ...

Mặt khác, nếu so sánh kết quả các yếu tố đánh giá chỉ số của Việt Nam với trung bình các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương và các nước thuộc OECD cho thấy số thủ tục của Việt Nam là tương đương, còn thời gian thực hiện của Việt Nam là tốt hơn đáng kể (ít hơn gần ½ lần so với mức bình quân của các nước thuộc nhóm này) (Việt Nam: 46 ngày, Châu Á – Thái Bình Dương: 71,6 ngày, OECD: 79,1 ngày).

Xét về mức độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện thì Việt Nam được 6/8 điểm - tăng 3 điểm so với năm 2016 (năm 2016 là 3/8 điểm). Yếu tố này được cải thiện rất nhiều trong năm vừa qua, đây là ghi nhận của Doing Business thể hiện qua các cải cách của EVN trong việc cung cấp điện với chất lượng tin cậy, ổn định và công khai, minh bạch về dịch vụ cung cấp điện.

Trên thực tế, trong thời gian qua, EVN đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện trong hoạt động điện lực, từ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho đến cung cấp dịch vụ điện ngày một tốt hơn theo hướng đơn giản và thuận tiện hơn cho khách hàng. Đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều có thể thực hiện đăng ký trực tuyến và đây là một trong những nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng điện trên cả nước.

Hà Anh