1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Năm 2011, không phải ngân hàng nào cũng lãi lớn

(Dân trí) - Điểm đáng lưu ý về lợi nhuận ngân hàng trong năm 2011 là có sự chênh lệch khá lớn giữa một số TCTD. Nhiều TCTD quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.

Không phải ngân hàng nào cũng lãi lớn.
Không phải ngân hàng nào cũng lãi lớn.

Hơn 10% TCTD yếu kém, thua lỗ

Sáng nay 20/6, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố những thông tin quan trọng quanh chỉ số lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2011.

Từ báo cáo của các TCTD, cơ quan này cho hay, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của toàn hệ thống TCTD tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước, trong đó có gần 50% các TCTD có lợi nhuận giảm so với năm 2010.

Trong khi phần lớn các TCTD hoạt động kinh doanh ổn định, an toàn, có hiệu quả nhưng vẫn còn hơn 1 0% số lượng các TCTD vì nhiều lý do, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Theo nhận xét của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước. Lợi nhuận của năm 2011 tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản có 18,55%.

Hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các TCTD là chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010: ROA đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, các chỉ số này của năm 2010 (lần lượt là 1,29% và 14,56%).

So sánh 2 chỉ số này của ngành ngân hàng với 10 ngành khác của nền kinh tế theo thống kê theo phân ngành cấp 1 các doanh nghiệp niêm yết cho thấy: ROE ở mức trung bình (thứ 6/10) và ROA ở mức thấp nhất. Nhìn rộng hơn ra, hoạt động ngân hàng các nước trong khu vực và thế giới, chỉ số ROE của các ngân hàng khu vực Đông Nam Á là từ 14% - 15% và thế giới thường ở mức 17%.

Lãi lớn chỉ đến từ một số TCTD

Theo đánh giá từ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận giữa các ngân hàng Việt Nam. Điểm đáng lưu ý về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 là có sự chênh lệch khá lớn giữa một số TCTD.

Cụ thể, lợi nhuận của hệ thống tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn, có năng lực điều hành và quản trị rủi ro tốt, hoạt động an toàn, hiệu quả. Trong khi nhiều TCTD thuộc nhóm có quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.

Ngoài ra, cơ quan giám sát còn chỉ ra rằng, số liệu lợi nhuận của các TCTD tại thời điểm 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí của TCTD.

Theo quy định hiện hành, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của NHNN được thực hiện theo quý; riêng đối với quý IV là trong thời hạn làm việc 15 ngày của tháng 12. Như vậy, phần chi phí tại thời điểm 31/12/2011 chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.

“Theo số liệu theo dõi của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thì số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã liên tục tăng lên, đặc biệt là các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Điều này thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh của hệ thống các TCTD những tháng đầu năm 2012 có xu hướng giảm sút. Đó là chênh lệch thu nhập - chi phí lũy kế đến 30/4/2012 của toàn hệ thống TCTD chỉ đạt ở mức rất thấp và giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2011 trong đó, riêng tháng 4, toàn hệ thống có chênh lệch thu chi âm”, NHNN nhận xét.

Cũng từ số liệu mà cơ quan giám sát thu thập được, các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro của TCTD mới chỉ bao gồm các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng. Quy định hiện hành về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng cho phép khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản khi trích dự phòng là 50%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh và suy giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi giá trị bảo đảm là bất động sản không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản chưa sát với thực tế.

Nguyễn Hiền