1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mua đất dịch vụ 10% là hú họa

(Dân trí) - Bản thân quy hoạch vùng thủ đô còn phải chờ Quốc hội thông qua. Bởi vậy, không có lý do gì để khẳng định các quy hoạch hiện ở Hà Tây không bị thay đổi, còn những người mua suất đất dịch vụ 10% cũng chỉ là hú hoạ.

Ông Đào Trung Chính - Vụ phó vụ đất đai đã có cuộc trao đổi với Dân trí xung quanh vấn đề này.

Ông Chính cho biết: Quy định cấp đất dịch vụ 10% ở Hà Tây được xuất phát từ các quy định của pháp luật. Tức là khi thu hồi đất nông nghiệp của mỗi cá nhân mà không còn đất nông nghiệp để bố trí thì có thể bố trí cho họ đất dịch vụ để họ chuyển đổi nghề nghiệp.

Đây là một chủ trương đúng, quan tâm trực tiếp đến người lao động, người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng những người ở chỗ khác đến để nhận chuyển nhượng trong khi quy hoạch chưa rõ ràng. Các giao dịch này chủ yếu là mua bán viết tay.

Theo ông, với việc mua bán bằng giấy viết tay, người mua sẽ gặp những rủi ro gì?

Thứ nhất, theo quy định, những người không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp thì không được mua đất nông nghiệp trồng lúa nước. Thứ hai, việc mua như vậy rất rủi ro vì chưa biết quy hoạch sẽ như thế nào, liệu có lấy phần đất đó không? Thứ ba, vì anh mua bán viết tay như vậy nên nhà nước không thể bảo hộ quyền lợi được. Giả sử như phần đất ấy lấy vào quy hoạch, đất dịch vụ 10% lên giá, người bán thấy tiếc và như vậy sẽ có nguy cơ vỡ hợp đồng. Bởi vậy, người mua cần phải cân nhắc khi bỏ tiền ra mua.

Nhưng vừa qua ở Hà Tây có xuất hiện một văn bản giao dịch viết tay là Giấy xác nhận tặng quyền sử dụng đất dịch vụ. Loại giấy này được đưa ra giao dịch công khai nhờ có chữ ký của các trưởng xóm, trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây chỉ là giải pháp tâm lý cho người mua cảm thấy yên tâm hơn. Còn theo quy định của pháp luật, cái chữ ký đấy chẳng có ý nghĩa gì. Và không ai có thể bảo đảm người bán thực hiện theo đúng cam kết không? Và vì nó là hợp đồng không chính tắc nên không loại trừ việc người ta có thể xin được vài cái!

Thực chất, cho đến thời điểm này, những giấy tờ đó vẫn rất có giá trị đối với nhiều người mua vì họ tin rằng thời cơ làm giàu đã đến!.

Như tôi đã nói, bản thân quy hoạch vùng Thủ đô còn phải chờ Quốc hội thông qua, bởi vậy khả năng thay đổi quy hoạch là dễ xảy ra. Hà Tây sáp nhập Hà Nội, quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội cũng phải thay đổi. Và trên cơ sở quy hoạch phát triển Hà Nội thay đổi sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi ở bên trong.

Với việc mua bán trên, có những người mua đất chỉ nhằm nhằm vào những khu đô thị. Nhưng nếu chẳng may, nó không vào khu đô thị nữa mà vẫn là đất nông nghiệp thì cũng phải chịu.

Đã có trường hợp nào xảy ra tranh chấp giữa hai bên chưa?

Thực tế, việc mua bán đất trên chỉ là trao tay. Tất cả còn đang chờ quy hoạch nên tạm thời chưa xảy ra tranh chấp gì. Tiếp nữa, những người mua đất như vậy cũng đã có tư tưởng may rủi trong đó rồi.

Sự việc trên cho thấy, dường như các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh?

Hiện nay, những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai sẽ bị xử phạt hành chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả

Xin hỏi ông, có biện pháp nào để hạn chế những sai phạm trong việc mua bán đất như đã nêu ở trên chưa?

Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là giúp người dân hiểu được và thực hiện đúng pháp luật, đồng thời, các cơ quan nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy nhanh công tác quy hoạch lên, công khai các thông tin về quy hoạch, từ đó làm hạn chế việc bán đất tràn lan, vi phạm pháp luật.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương