1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Moody hạ triển vọng khu vực EU xuống mức tiêu cực

(Dân trí) - Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody vừa quyết định hạ triển vọng tín nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) xuống mức tiêu cực đồng thời cảnh báo có thẻ hạ bậc xếp hạng của khối này trong tương lai.

Thông báo trên được Moody's Investors Service phát đi hôm 3/9. Theo đó mức xếp hạng tín nhiệm của EU vẫn được giữ nguyên ở mức Aaa nhưng triển vọng đã bị điều chỉnh xuống mức “tiêu cực”. Đồng thời cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ hạ bậc tín nhiệm của EU nếu 4 đầu tàu kinh tế của khối là Đức, Pháp, Anh và Hà Lan bị đánh tụt xếp hạng.
Kinh tế các nước Eurozone đang rất ảm đạm (Ảnh: internet)
Kinh tế các nước Eurozone đang rất ảm đạm (Ảnh: internet)

“Triển vọng tiêu cực đối với xếp hạng dài hạn của EU cho thấy triển vọng tiêu cực đối với mức xếp hạng Aaa của các quốc gia thành viên có đóng góp lớn vào ngân sách của khối như: Đức, Pháp, Anh và Hà Lan, vốn chiếm tới 45% ngân sách của EU”, thông báo của Moody viết. Trước đó hồi tháng 7 cơ quan này cũng đã hạ triển vọng của 4 quốc gia này xuống mức tiêu cực.

Động thái này của Moody sẽ gây áp lực lớn cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong việc thực thi những chính sách cụ thể nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực vốn đang chìm trong nợ nần. Dự kiến trong ngày 6/9 tới, ECB sẽ có cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ trong đó nhiều khả năng các chi tiết của chương trình tung tiền mua trái phiếu sẽ được công bố.

Theo Bloomberg, trong phiên họp kín của Nghị viện châu Âu tại Brussels hồi đầu tuần, chủ tịch ECB Mario Draghi đã khẳng định với các nhà lập pháp của EU rằng các ngân hàng của 17 quốc gia thành viên đã mất quyền kiểm soát đối với chi phí vay vốn. 

“Chúng ta không thể theo đuổi sự ổn định về giá cả một khi vẫn có những chia rẽ trong khối sử dụng đồng Euro bởi những thay đổi về lãi suất chỉ ảnh hưởng tới 1 hoặc nhiều nhất là 2 quốc gia”, ông Draghi nói. “Điều đó không có ý nghĩa gì đối với các nước còn lại trong khối”. 

Do vậy việc ECB thực hiện mua trái phiếu là “một cách để thực thi trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta”. Vị chủ tịch ECB đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình này đối với sự tồn tại của đồng Euro. “Có phải chúng ta đã từ bỏ nhiệm vụ chính của mình khi cố gắng duy trì sự ổn định của giá cả? Không, điều đó hoàn toàn ngược lại”. 

Theo kế hoạch của ông Draghi, ECB sẽ mua lại  trên thị trường thứ cấp trái phiếu của các quốc gia thành viên đã phải xin cứu trợ để có tiền chi trả các khoản nợ trên thị trường sơ cấp. Hiện dự thảo chương trình mua trái phiếu của ECB đã được gửi tới ngân hàng trung ương các nước thành viên. Tuy nhiên Đức, nước có tiếng nói quan trọng nhất trong khối, lại đang phản đối chính sách này.

Tình hình kinh tế của khu vực Euozone đang hết sức ảm đạm khi hoạt động sản xuất đã có tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp, vượt cả mức dự báo trước đó. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 8 của khối này đã sụt xuống 45,1, thấp hơn mức dự báo 45,3. Trong khi đó thông thường chỉ số PMI phải ở mức lớn hơn 50 mới cho thấy hoạt động sản xuất đang phát triển.

“Tốc độ sụt giảm đã chậm lại so với tháng 7, giúp nhen lên hy vọng hoạt động sản xuất có thể bớt ảm đạm nhưng lĩnh vực này vẫn sẽ là gánh nặng đối với GDP của quý 3”, Rob Dobson, đại diện hãng nghiên cứu Markit, đơn vị thực hiện khảo sát chỉ số PMI nhận định. “Chỉ có Ai-len ghi nhận sự tăng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất trong khi các quốc gia lớn như Pháp và Đức đều suy giảm. Tình hình của Italia thì đang trở thành mối quan ngại”.

Hoạt động sản xuất sụt giảm đã khiến tình hình việc làm của các nước Eurozone rất đáng lo. Theo số liệu công bố mới nhất, số người thất nghiệp tại đây trong tháng 7 đã lên mức kỷ lục 18 triệu người. Tính chung cả các nước không sử dụng đồng Euro, số người thất nghiệp tại EU hiện khoảng 25,25 triệu người.

Thanh Tùng
Theo AFP và Bloomberg