1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mới có 400 kiều bào mua được nhà

Mới chỉ khoảng 400 Việt kiều mua được nhà trong nước; nhiều người gặp khó khăn vì không đủ giấy tờ… Nhưng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và thúc đẩy hòa giải dân tộc.


Ngày 31/1/2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với kiều bào về thăm quê hương. Ảnh: TTXVN.

Ngày 31/1/2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với kiều bào về thăm quê hương. Ảnh: TTXVN.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Hồng Nam, chia sẻ với Tiền Phong nhân kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là người phụ trách cơ quan đầu mối kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thời gian qua, ông nhận được phản ánh gì về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào?

Bà con rất phấn khởi vì trong những năm qua, chính sách đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã được nới rộng rất nhiều theo hướng tạo nhiều thuận lợi cho kiều bào về mặt giấy tờ đi lại, cấp lại hộ chiếu, khôi phục quốc tịch để về nước định cư, làm ăn. Những chính sách này giúp kiều bào có tư cách pháp lý, pháp nhân bình đẳng như bất kỳ công dân Việt Nam nào trong nước. Những điều này phù hợp với chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004, và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đã là bộ phận máu thịt thì phải bình đẳng. Chính sách của chúng ta đã làm được điều đó, nên bà con rất ủng hộ, rất đồng thuận.

Kiều bào phản ánh, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, vẫn còn một số rào cản khi về nước mua nhà, đầu tư, cống hiến. Ông nghĩ sao?

Thứ nhất, chính sách của chúng ta đã rất thông thoáng ở tầm vĩ mô, nhưng ở cấp thực hiện vẫn còn khó khăn, không phải do ý muốn chủ quan của cấp cơ sở mà do cách hiểu, nhận thức ở địa phương vẫn khác nhau khi diễn giải và áp dụng chính sách. Khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36, chúng tôi đã nhìn ra những bất cập này, và Chỉ thị 45 xác định cả nước phải đồng tâm hiệp lực thực hiện chính sách nhất quán đối với kiều bào. Các địa phương gần đây đã có thay đổi rất lớn.

Thứ hai, kiều bào gặp khó khăn khi mua nhà trong nước cũng là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng ta quy định chỉ cần người có nguồn gốc Việt Nam, về nước có dấu nhập cảnh 3 tháng trở lên là được phép mua nhà. Nhưng tôi phải công nhận một điều là chưa nhiều người mua được nhà. Lý do thứ nhất là việc cấp phép cho bà con mua nhà còn nhiều khó khăn. Một số nơi còn yêu cầu các giấy tờ không có trong quy định, khiến bà con rất phiền lòng. Cho đến nay mới có khoảng 400 kiều bào mua được nhà ở Việt Nam.

Điều trăn trở thứ ba là việc cấp lại quốc tịch cho bà con. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài hình thành từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Với những người có giấy tờ đầy đủ, việc cấp lại quốc tịch rất dễ. Bất kỳ bà con nào có nguồn gốc được xác minh là người Việt Nam, đã có quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch đó không bao giờ mất. Trước đây, chúng ta quy định bà con phải đăng ký để giữ quốc tịch, nhưng gần đây chúng tôi đã trao đổi với Bộ Tư pháp và bộ ngành liên quan để bỏ quy định này. Các cơ quan đại diện vừa qua đã cấp lại giấy tờ cho hàng nghìn trường hợp có nhu cầu giữ lại quốc tịch, xin lại hộ chiếu. Khi bà con có hộ chiếu rồi thì việc đi lại rất dễ. Tuy nhiên, hoàn cảnh của bà con rất khác nhau. Có những người ra đi mất giấy tờ, có người khi sinh ra ở những vùng nghèo khó, không được cấp giấy khai sinh. Hoặc có người bị mất giấy tờ trong thời chiến tranh. Nhiều người không còn giấy tờ để chứng minh. Họ cũng khó về nơi sinh ra để xác minh lại. Đây là điều chúng tôi rất trăn trở và đang cố gắng tìm cách giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con.

Ngoài ra, trong 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài vẫn còn có những người đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Chúng ta phải giải thích, phải vận động quyết liệt hơn nữa, thậm chí đối với cả những người từng chống đối, từng gây tội ác đối với dân tộc. Chúng ta đã có quyết sách lớn là không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp để gác lại quá khứ, nhìn về tương lai. Nếu nhìn số lượng kiều bào về nước hằng năm thì thấy hầu hết bà con đều đã trở về nước. Những người đã về là những người có tư tưởng đồng thuận với dân tộc, còn số ít, khoảng vài chục nghìn người trên toàn thế giới còn tham gia các tổ chức phản động chống lại đất nước.


Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam. Ảnh: Như Ý.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam. Ảnh: Như Ý.

Chuyến đi Trường Sa mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa tổ chức cho kiều bào có điều gì đặc biệt?

Đây là chuyến đi đông kiều bào nhất từ trước đến nay. Số lượng kiều bào tham gia chuyến đi năm nay tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Thành phần cũng rất rộng. Số lượng kiều bào từ các nước phương Tây tăng lên nhiều. Thực hiện Nghị quyết 36, những năm qua, chúng tôi đã mời những người còn có những quan điểm khác biệt và thiếu thông tin về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Sau mỗi chuyến thăm Trường Sa, chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi lớn trong tư tưởng của họ.

Theo ông, Hiệp định TPP tác động như thế nào đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

TPP gồm 12 nước, quá nửa trong tổng số 4,5 triệu kiều bào của chúng ta sống trong khu vực này. Đặc biệt, kiều bào ở những nước này phát triển rất mạnh theo hướng trí thức hóa. Những thế hệ con em người Việt ở nước ngoài có trình độ tri thức ngày càng cao. TPP sẽ mang lại cơ hội cho kiều bào khi thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Cộng đồng doanh nghiệp của kiều bào ở nước ngoài thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khi TPP đưa tất cả các dòng thuế về 0%, họ có thể tranh thủ cơ hội đầu tư về Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường đối tác của Mỹ. Họ cũng có thể hưởng những điều kiện ưu đãi mà Việt Nam dành cho hơn 10 đối tác hiệp định tự do thương mại khác.

Về thương mại, nhiều dòng sản phẩm sẽ về Việt Nam với mức thuế 0%. Chủ yếu thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, kiều bào khi đầu tư về Việt Nam nếu phải chịu thuế suất cao sẽ rất rủi ro. Khi thuế về 0% họ sẽ có động lực lớn hơn để đưa sản phẩm về nước. Vì vậy, TPP giúp lao động trí thức tăng lên, cơ hội việc làm tăng lên, thúc đẩy nguồn đầu tư về nước. Vừa rồi có doanh nghiệp từ Mỹ mở khu công nghệ rất lớn ở TPHCM vì họ nhìn thấy cơ hội cho sản phẩm của họ sẽ không phải chịu thuế, có thể cạnh tranh được nhờ giá rẻ. Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang nhập các mặt hàng của Việt Nam để đưa sang các thị trường TPP như Mỹ, Canada…

Khi giao thương tăng lên, kinh tế phát triển thì yếu tố chống đối sẽ giảm đi, vì nếu chỉ coi trọng yếu tố chính trị, sẽ mất cơ hội tham gia vào quá trình sinh lợi.

Cảm ơn ông.

Theo: Trúc Quỳnh

Tiền Phong

Khi ra Trường Sa, kiều bào cảm nhận được hồn của đất nước, sự hy sinh của quân và dân Trường Sa. Trong hơn 70 người ra Trường Sa lần này, nhiều người trăn trở họ có thể làm gì để đóng góp thiết thực cho quân và dân Trường Sa. Có người nghĩ đến việc xử lý rác thải để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp cho những người sống trên đảo. Khi thấy bốn bề đảo là nước mặn, quân dân chia nhau từng phần nước ngọt, có nhà khoa học mang máy tạo nước ngọt ra đảo để tạo ra nước đủ tiêu chuẩn để sinh hoạt trên đảo...

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam

Mới có 400 kiều bào mua được nhà - 3