1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mạnh tay với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước trong xử lý vi phạm tài chính

(Dân trí) - Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo quy chế tăng cường các chế tài xử lý cụ thể đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước khi vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính.

Mạnh tay với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước trong xử lý vi phạm tài chính  - 1
Rất ít DNNN công bố báo cáo tài chính (ảnh minh họa).

Ngày 15/2, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB), nhà đầu tư đa phương lớn nhất cho Việt Nam đã cùng phối hợp tổ chức phiên hội thảo quốc tế về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Tại hội thảo, báo cáo giám sát tài chính của Cục Tài chính doanh nghiệp nêu rõ, qua thực tiễn cho thấy, các quy định hiện hành về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN còn bất cập, chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện và cảnh báo cho chủ sở hữu doanh nghiệp về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính.

Theo đó, “thực tiễn trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước bị lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, mặc dù đã có cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước song do việc phân công trách nhiệm giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa rõ ràng, chế tài xử lý chưa cụ thể và chưa đủ mạnh nên việc khắc phục tình hình tài chính tại các doanh nghiệp này chậm hoặc thậm chí xấu đi, doanh nghiệp thua lỗ nặng lâm vào tình trạng phá sản”.

Cục này đề nghị cần có một quy chế giám sát mới mà tại đó, phân định rõ quyền, trách nhiệm chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu và ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hiện, Bộ Tài chính đã tổng hợp và hoàn thiện dự thảo “Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước” trình Thủ tướng phê duyệt ban hành.

Trong dự thảo này, Quy chế mới sẽ tăng cường các chế tài xử lý cụ thể đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước khi vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.

Cụ thể, đưa ra các chế tài xử lý cụ thể khi người quản lý doanh nghiệp (người đại diện), chủ sở hữu (Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính) và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm về giám sát tài chính theo quy định.

Hệ thống chế tài được thiết kế cụ thể, đủ mạnh và rõ ràng đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời gắn với quyền và tránh nhiệm của từng chủ thể giám sát: doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp để đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể.

Hàng loạt lãnh đạo bị “trảm”

Những vấn đề về DNNN thời gian gần đây được đề cập mạnh mẽ trong bối cảnh hệ thống công ty, tập đoàn nhà nước buộc phải cải tổ toàn bộ. Đây cũng là năm bản lề thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Hàng loạt lãnh đạo đã bị rơi vào vòng lao lý do không tuân thủ các quy định nhà nước về quản lý doanh nghiệp. Riêng vụ sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã phải huy động cơ quan công an 7 tỉnh tham gia điều tra. 11 bị can bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiệm trọng”. Trong vụ việc này, hiện 2 bị can vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Trong một trường hợp khác với mức độ nhẹ hơn, mới đây, Thủ tướng đã ký quyết định thôi chức chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với ông Đào Văn Hưng do công tác điều hành yếu, khiến hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chẳng hạn như trường hợp sản xuất – kinh doanh yếu kém tại EVN Telecom.

Kết thúc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Kiểm toán Nhà nước xác định lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN lên đến trên 8.400 tỉ đồng. Cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 17.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2010, EVN lỗ trên 25.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2011, nợ phải trả của EVN lên đến gần 240.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ là không quá 3 lần.

Và với những chế tài xử phạt chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn trong thời gian tới, nếu các DNNN vẫn còn hoạt động kém hiệu quả như hiện nay và vẫn vi phạm về đầu tư – tài chính thì sẽ còn nhiều vị lãnh đạo khác phải “đứng mũi chịu sào”.

Bích Diệp