1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Mạng ảo nhưng vẫn bị lừa mất tiền thật

(Dân trí) - Dễ dàng bị thu thập thông tin, nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1-2 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Một báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, sự phát triển kỳ diệu của công nghệ thông tin đã cho phép một số doanh nghiệp thậm chí có thể thu thập gần như toàn bộ hành vi, thông tin của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, tham khảo thông tin trên mạng Internet, từ việc người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ gì; người tiêu dùng đang chia sẻ suy nghĩ gì hay chủ đề mà người tiêu dùng đang quan tâm trong các cuộc nói chuyện với bạn bè trên các mạng xã hội...

Tại Việt Nam, rất dễ dàng để một doanh nghiệp có thể mua được một danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết kèm theo: vị trí địa lý, điện thoại, email, chức vụ...thậm chí là lịch sử giao dịch của người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua bán hàng hóa...

Bị lừa từ vài triệu cho tới hàng trăm triệu đồng

Các doanh nghiệp sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích đa dạng và khác nhau, trong đó, thực tế cho thấy, nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng.

Theo thống kê từ hoạt động của Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng -1800.6838 tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong 7 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiếp nhận hơn 30 vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo người tiêu dùng.

Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng, ví dụ như họ tên, địa chỉ nhà, hoạt động mua bán đã từng thực hiện trong quá khứ tại một doanh nghiệp nào đó,... Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời của các đối tượng.

Và theo đó, nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1-2 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng. Việc liên hệ với các đối tượng lừa đảo để giải quyết các khiếu nại phát sinh thường là rất khó do các đối tượng sử dụng các thông tin liên hệ mạo danh hoặc không xác định được tính chính xác về thông tin của đối tượng.

Theo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng hay thường gọi là chính sách thông tin đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và chủ động thực thi. Các hoạt động này được thể hiện thông qua việc xây dựng các chính sách nội bộ về quản lý thông tin của người tiêu dùng; xây dựng và công bố công khai trên website, tờ rơi về chính sách thông tin của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn một số lượng lớn doanh nghiệp chưa nắm được các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, dẫn đến, không có chính sách hoặc không có hành vi phù hợp khi thực hiện các giao dịch có phát sinh trao đổi thông tin với người tiêu dùng.

Từ các nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhiều người tiêu dùng cho biết trong quá trình nói chuyện, các đối tượng lừa đảo cung cấp chính xác thông tin về giao dịch của người tiêu dùng đã được thực hiện trước đó, ví dụ, ngày tháng mua hàng tại trung tâm điện máy; thương hiệu sản phẩm đã mua, giá trị hóa đơn...

Thông tin này cho thấy việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng đã không được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dẫn tới việc rò rỉ thông tin của người tiêu dùng và đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo.

Trong nhiều giao dịch tài chính, đặc biệt là các giao dịch tín dụng tiêu dùng, cho vay trả góp, nhiều người tiêu dùng cho biết đã không được công ty tài chính thông báo hoặc giải thích chính xác, đầy đủ về việc sẽ chuyển giao thông tin cho bên thứ ba để thực hiện các hoạt động thu hồi nợ trong trường hợp cần thiết. Hành vi này vi phạm quy định về việc chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Nhiều phản ánh của người tiêu dùng cũng cho thấy, trước khi sử dụng dịch vụ, họ không được thông báo về việc một số thông tin trên thiết bị của người tiêu dùng, ví dụ, hình ảnh, danh bạ trên điện thoại di động, sẽ được sử dụng bởi công ty cung cấp dịch vụ. Hành vi này vi phạm quy định về việc doanh nghiệp phải thông báo rõ ràng, công khai về phạm vi, mục đích sử dụng thông tin trước khi thực hiện thu thập từ người tiêu dùng.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định liên quan, một vấn đề tồn tại có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thực thi pháp luật về chính sách thông tin người tiêu dùng là nhận thức của người tiêu dùng về các quyền liên quan trong lĩnh vực thông tin.

Hiện nhiều người tiêu dùng trong quá trình cung cấp thông tin trên mạng xã hội, sử dụng các thông tin giao dịch tài chính không ý thức được các nguy hiểm tiền ẩn khi bên thứ ba có thể khai thác và lợi dụng các thông tin này vào mục đích lừa đảo; nhiều người tiêu dùng không nắm được trách nhiệm theo quy định pháp luật mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện, dẫn tới, hiệu quả của việc giám sát và phát hiện hành vi vi phạm không được phát huy.

Phương Dung