1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Made in China 2025" và nguy cơ rác công nghệ đối với Việt Nam

(Dân trí) - “Lộ trình của Trung Quốc đến năm 2025, dự kiến hàm lượng công nghệ cao trong 1 sản phẩm sản xuất được phải chiếm 70%. Do đó những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, Việt Nam có thể nằm trong số đó. Đây là rủi ro rất lớn”, TS Lương Văn Khôi nhận định.

Chia sẻ với báo giới tại một cuộc hội thảo cuối tuần trước tại Hà Nội, TS Lương Văn Khôi, Phó GĐ Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) chỉ rõ hiện trạng của kinh tế Trung Quốc cũng như những thách thức mà Việt Nam gặp phải khi nước này đã, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.

Việt Nam gặp rủi ro từ chuyển đổi kinh tế Trung Quốc

Theo ông Khôi: "Made in China 2025" nội dung trọng tâm mà Trung Quốc hướng đến là thay đổi hình ảnh của công xưởng giá rẻ, tập trung nhiều ngành khai khoáng, phát triển gây ô nhiễm môi trường sang các ngành kinh tế có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, mang đặc sắc Trung Quốc.

Dự án giai đoạn 2 Nhà máy thép Thái Nguyên đắp chiếu với gánh nợ nghìn tỷ đồng với Trung Quốc (ảnh minh hoạ)
Dự án giai đoạn 2 Nhà máy thép Thái Nguyên đắp chiếu với gánh nợ nghìn tỷ đồng với Trung Quốc (ảnh minh hoạ)

Sự chuyển dịch về chất trong tăng trưởng khiến lượng của nền kinh tế Trung Quốc thay đổi, lượng lớn nhà máy, xi nghiệp công nghệ cũ có thể được thải loại, đi vào các vòng tuần hoàn "chuyển giao công nghệ" sang các nước kém phát triển hơn và trong đó, Việt Nam là một ví dụ, một điểm đến.

Theo TS Khôi: Chiến lược "Made in China 2025" là một trong những rủi ro lớn từ kinh tế Trung Quốc mà Việt Nam cần hết sức lưu ý bởi nó đã và đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành của Việt Nam.

"Made in China 2025" của Trung Quốc hướng đột phá trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà nước này muốn trở thành quốc gia đứng đầu trong tương lai như: hàng không vũ trụ, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới, robot cao cấp, công nghệ thông tin thế hệ mới…

Thực tế, thời gian qua, đầu tư của Trung Quốc vào nhiều ngành như nhiệt điện, dệt may, nhuộm đang gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam. Đây lại là các lĩnh vực "ưu tiên" cắt giảm ở Trung Quốc do tiêu tốn năng lượng, phát thải ô nhiễm môi trường và đặc biệt công nghệ thấp.

Hiện nay, Trung Quốc đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong khi đó, thời gian qua ở Việt Nam, nhiều nhà máy nhiệt điện cỡ nhỏ, trung bình được đầu tư mở rộng khắp cả nước, riêng Đồng bằng Sông Cửu Long có 14 nhà máy nhiệt điện, đa phần đều do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Các 2 nhà máy phân đạm có yếu tố Trung Quốc là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc giai đoạn 2, đã và đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong mấy năm gần đây; các dự án xăng sinh học E5, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đắp chiếu, dừng hoạt động thua lỗ, nặng nợ hàng nghìn tỷ đồng...

Công nghệ phế liệu đi vào FDI của Trung Quốc ở Việt Nam?

Quý I/2017, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, Mỹ, và nhiều quốc gia khác, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm Việt Nam nhận được hơn 823 triệu USD từ Trung Quốc với 58 dự án đăng ký cấp mới và 177 lượt vốn góp mua cổ phần. Số vốn này tăng khá mạnh so với con số 290 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

TS Khôi nhấn mạnh: Chúng ta cần phải theo dõi sát sao, nếu không Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải loại của nước khác. “Liệu đây có phải là dấu hiệu cho những hành động trong chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc? Tôi nghĩ không nên loại trừ bất cứ nguy cơ nào cả, nhất là khi họ đang tự khuyến khích đầu tư vào những ngành công nghiệp cao, việc dư thừa phải tìm cách thải loại là điều có cơ sở”, ông Khôi nghi ngại:

Trên thực tế, Trung Quốc đã và đang muốn thế giới chứng kiến sự thay đổi của mình và quan niệm về một nước chỉ sản xuất gia công, tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Nước này đã và đang làm song song hai giải pháp: thải loại và đầu tư mới.

Chính sách thải loại công nghệ máy móc cũ đi liền với quyết tâm đầu tư mở rộng sang nhiều quốc gia. Trung Quốc đang trở thành nhà tư bản lớn khi đầu tư xây dựng cầu đường, cơ sở vật chất cảng biển, đường sắt, đường bộ cho nhiều nước Tây Á, châu Phi, Trung Đông hay ASEAN. Đây cũng là cách để Trung Quốc chuyển giao công nghệ thải loại sang các nước khác.

Đầu tư mới, theo TS Khôi, Trung Quốc đang vươn lên đầu tư rất trọng điểm vào các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Vốn đầu tư cho công nghệ, kỹ thuật cao của Trung Quốc đã bằng và vượt qua Mỹ trong năm 2015 và 2016. Mới đây các chuyên gia công nghệ Hàn Quốc thừa nhận trình độ công nghệ của Trung Quốc đang cải thiện nhanh, gần đuổi kịp Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực.

Theo Viện Đo lường Kỹ thuật Công nghệ Hàn Quốc, khoảng cách trung bình giữa Hàn Quốc với Trung Quốc tính trên 24 ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước này như công nghệ sinh học, màn hình... chỉ là 0,9 năm.

An Linh