1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mặc cả tiền gửi, ngân hàng đẩy lãi suất vượt quá 12%

(Dân trí) - Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết: Nếu mang số tiền khá lớn đến gửi, khách hàng có quyền yêu cầu ngân hàng áp dụng một mức lãi suất cao hơn nhiều so với sự đồng thuận 12%/năm. Cuộc chạy đua này cũng đang đẩy lãi suất cho vay lên trên 18%/năm.

Mặc cả tiền gửi, ngân hàng đẩy lãi suất vượt quá 12% - 1
Khó vay vốn ngân hàng thời điểm này (ảnh: Q.Đ).
 
Vượt trần đồng thuận 12%
 
Khảo sát một vòng quanh Hà Nội, khá nhiều ngân hàng đã nâng mức lãi suất huy động VND lên trên 12%/năm.
 
Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) được hưởng mức lãi suất 13,5%/năm; biểu lãi suất huy động VND cho kỳ hạn 12 và 13 tháng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) duy trì ở mức 13%/năm; Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng nâng lãi suất huy động các kỳ hạn lên trên 12% và cao nhất 12,8% đối với kỳ hạn 13 tháng…
 
Theo thống kê biểu của laisuat.vn, tất cả các ngân hàng TMCP trong nước và liên doanh đều tăng mức lãi suất huy động lên 12%/năm sau khi lãi suất cơ bản điều chỉnh lên 9%/năm.
 
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng có mức lãi suất vượt trần 12% nhưng được thể hiện dưới dạng quà tặng khuyến mãi, tặng tiền ngay với mức lãi suất lên đến +/-14%/năm như một ngân hàng TMCP có trụ sở chính tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 (TPHCM).
 
Như vậy, tuần thứ 2 của tháng 11, lãi suất cơ bản và lãi suất “ trần” đều được tăng lên +/- 2%/năm. Ở 2 ngày cuối của tuần 2 tháng 11, các nhà băng đẩy mạnh lãi suất ngắn hạn, nhất là lãi suất tuần.
 
Cụ thể, trong ngày 11/11, tại TPHCM có hai ngân hàng đẩy mức lãi suất tuần lên chạm “trần” mức thỏa thuận là +/-12%/năm. Ông “lớn” như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), mức lãi suất tối đa cho loại tiền gửi VND dưới 1 tháng cũng được xác định là 12%/năm.
 
Cũng theo trang laisuat.vn, lãi suất giao dịch bình quân qua đêm bằng VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng mạnh những ngày qua và đã lên gần 13%/năm. Trong khi đó lãi suất bình quân các kỳ hạn ngắn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng và 3 tháng cũng tăng mạnh lên trên 13%/năm, cụ thể là 13,26%, 13,41%, 13,43% và 13,10%/năm.
 
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho hay: “Mức phổ biến của thị trường là 12% nhưng ở một vài ngân hàng vẫn chấp nhận mức cao hơn nhiều để hút nguồn vốn.
 
Và trên thực tế, lãi suất huy động của các ngân hàng còn cao hơn mức niêm yết rất nhiều. Các ngân hàng đang làm hư khách hàng, chỉ cần người dân mang khoản tiền 100 triệu đồng là đã có quyền yêu cầu thỏa thuận lãi suất rồi. Chính điều này đang tạo áp lực cạnh tranh không bình thường giữa các ngân hàng, các tổ chức, ngân hàng lớn phải chạy theo tổ chức nhỏ, ngân hàng nhỏ”.
 
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Chuyện khách hàng đến mặc cả tại VPBank là phổ biến. Nếu khách hàng lâu năm, khách hàng lớn của chúng tôi mà bị ngân hàng khác chèo kéo với một mức lãi suất nào đó thì chúng tôi cũng phải nâng lên cho khách hàng mức đó chứ không thể để khách đi được. Tại nhiều ngân hàng hiện nay, khách hàng lớn luôn có chính sách ưu đãi”.
 
Dừng giải ngân vốn vay mới
 
Tổng hợp từ 37 ngân hàng, trang laisuat.vn cho biết: Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 10,5 -12,3%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu), 13 - 15,5%/năm đối với sản xuất - kinh doanh thông thường, 16 - 19%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống.
 
Trên thực tế, khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tăng cao hơn, lên mức 19 - 20%/năm; nhiều ngân hàng còn dừng giải ngân các khoản vốn vay với. Tại Sacombank (Đường Thành, Hà Nội) nhân viên giao dịch cho biết ngân hàng đã dừng các khoản vốn vay mới, chỉ cấp tín dụng cho những khoản vay còn hạn mức tại ngân hàng, với mức lãi suất trên 18%/năm.
 
Cũng theo đại diện một công ty tài chính, công ty này hiện không tiếp nhận các hồ sơ vay vốn mới, bởi giá vốn nội bộ đã lên hơn 15%. “Nguồn vốn huy động không còn nhiều nên chúng tôi buộc phải dừng giải ngân các khoản vốn vay mới”, vị đại diện này nói.
 
Theo lý giải từ ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank: “Do tính thanh khoản kém nên một số ngân hàng phải tính việc dừng cho vay trong thời gian này. Ngay việc đồng thuận lên 12%, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới gửi tín hiệu đầu tiên về việc điều chỉnh lãi suất cơ bản và một số mức lãi suất chủ chốt.
 
Thực tế thời gian trước, nguồn cung trên thị trường mở cũng đã ít nên các ngân hàng bị thiếu vốn. Chỉ trước đó 1 tuần, lãi suất giữa thị trường 2 - các ngân hàng cho vay với nhau - đang thấp hơn lãi suất người dân gửi tiền khoảng 2 - 3%.
 
Hiện ngược lại, lãi suất trên thị trường ngân hàng cao hơn rất nhiều so với mặt bằng đang huy động của dân, có thời điểm vượt 4 - 5%. Điều này dẫn tới việc ngân hàng dừng cho vay là cực chẳng đã để đảm bảo hoạt động an toàn”.
 
Nguyễn Hiền