“Lúa lạ” trồng ở Long An có nguồn gốc Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày 20/2, PV báo Dân trí đã về ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An nơi có thông tin một người Trung Quốc thuê 1,4 ha đất trồng giống lúa lạ đang gây xôn xao dư luận.

Ông Nguyễn Văn Bền (ngụ tại 145/1 ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - người trực tiếp cho thuê đất cho biết: “Tôi và bà Trần Thị Thật cho ông Trần Minh Nhu thuê 1,4 ha đất trồng lúa với giá 30 triệu đồng từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2013. Sau đó ông Nhu và một người Trung Quốc về đây thuê người trồng lúa và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác và họ còn nhờ tôi theo dõi sâu bệnh và thuê nhân công giùm, tiền phân bón, thuốc sâu và tiền thuê nhân công họ đều trực tiếp trả. Họ cũng hướng dẫn tôi và các nhân công cách  trồng lúa, đến khi lúa trổ đồng thì dùng dây kéo ngang ngọn lúa đực để phấn hoa rơi xuống cho lúa cái thụ phấn…”.
 
“Lúa lạ” trồng ở Long An có nguồn gốc Trung Quốc
Sáng ngày 20/2, các nhân công được thuê làm việc tại tại cánh đồng lúa thử nghiệm vẫn tiếp tục công việc khử lẫn, kéo dây cho lúa thụ phấn.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, sau khi có thông tin về việc nông dân cho người nước ngoài thuê đất trồng lúa, vào ngày 18/2, Sở đã cử Đoàn công tác đến làm việc với ông Nguyễn Văn Bền để nắm tình hình sự việc.

 

Theo ông Bền: Khoảng cuối tháng 11/2012, bà Lê Thị Thu Vân – Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, tỉnh Long An đến gặp ông Nguyễn Văn Bền để giới thiệu ông Trương Quốc Ánh và ông Trần Minh Nhu có nhu cầu thuê đất trồng lúa.

 

Sau đó, ông Ánh và ông Nhu dẫn một người Trung Quốc đến xem đất và ông Bền đồng ý làm hợp đồng cho thuê 1 ha đất (diện tích thực tế gieo sạ là 0,8ha) với giá 30 triệu đồng/vụ/ha, đồng thời bà Thật có đất liền kề cũng đồng ý cho thuê 0,4 ha.

 

Hợp đồng bằng văn bản được 2 bên thống nhất nhưng không có chính quyền địa phương xác nhận và ông Nhu giữ luôn hợp đồng, không giao cho ông Bền giữ bản nào.
 
“Lúa lạ” trồng ở Long An có nguồn gốc Trung Quốc
Cánh đồng lúa thử nghiệm được trồng xen kẽ giữa một loại lúa cao (lúa đực) và một loại lúa thấp (lúa cái).

 

Ông Nhu thuê ông Bền làm đất, cày đất chuẩn bị cho việc trồng lúa, sau đó khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật do ông Bền trực tiếp mua và sử dụng, ông Nhu đem mạ đến để cấy 2 đợt, ông Bền không biết đó là giống lúa gì.

 

Khi lúa bắt đầu trổ bông thì người Trung Quốc nêu trên đến thường xuyên để thăm đồng và yêu cầu nhân công làm theo hướng dẫn của người Trung Quốc này.

 

Hiện nay diện tích lúa đang trổ đều, nhưng có 2 loại chiều cao cây (lúa đực cao, lúa cái thấp) xen kẽ nhau.

 

Ngày 19/2, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Long An tiếp tục làm việc với ông Trương Quốc Ánh (Phó trưởng phòng Công nghệ Sinh học) và ông Nguyễn Hướng (nghiên cứu viên phòng di truyền giống cây trồng, Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam).

 
“Lúa lạ” trồng ở Long An có nguồn gốc Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Bền tại cánh đồng lúa thử nghiệm mà gia đình mình đã cho thuê. Theo ông Bền, ông cho thuê 30 triệu đồng/1 ha ruộng bằng với giá mấy người cho thuê ruộng để họ trồng dưa. Và giá thuê nhân công làm việc ở cánh đồng lúa thử nghiệm này cũng bằng với mức giá họ đi làm mướn hàng ngày là 150.000 đồng/ngày.
 

Theo trình bày của ông Trương Quốc Ánh: ông Ánh và ông Trần Minh Nhu (công tác tại công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam) tiến hành thuê đất của ông Nguyễn Văn Bền (0,8ha) và bà Nguyễn Thị Thật (0,4ha) để thực hiện thử nghiệm tổ hợp lúa lai Nhị Ưu, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Theo ông Ánh, giống lúa này có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

 

Việc thử nghiệm tổ hợp lúa lai trên theo hợp đồng giữa cá nhân ông Ánh với công ty Dịch vụ Nông nghiệp Trọng Tín (số 39 Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội do ông Chu Văn Triển làm Giám đốc).

 

Ông Trần Minh Nhu là người đại diện cho ông Ánh để ký hợp đồng thuê đất với ông Nguyễn Văn Bền và bà Nguyễn Thị Thật và chịu trách nhiệm về kỹ thuật, thuê nhân công chăm sóc trà lúa trên.

 

Cũng theo giải thích của ông Ánh, do trong quá trình sản xuất giống đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao nên ông Ánh mời ông Liu Wen Jiang (chuyên gia người Trung Quốc, là tiến sĩ trường đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, đồng thời là chuyên gia của công ty Dịch vụ Nông nghiệp Trọng Tín) để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật một số khâu quan trọng như: thụ phấn khi trổ, xử lý khi lệch pha.

 

Ông Ánh đã nhận thiếu sót khi thực hiện thử nghiệm tổ hợp lúa lai Nhị Ưu tại địa phương đã không thông báo với Sở NN&PTNT và có chuyên gia người nước ngoài nhưng không đăng ký với cơ quan địa phương theo quy định.

 

Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đề nghị ông Ánh cung cấp hồ sơ để chứng minh một số thông tin mà ông này trình bày như: văn bản của Bộ NN&PTNT về việc công nhận tổ hợp lúa lai Nhị Ưu vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; lý lịch của ông Liu Wen Jiang; hợp đồng làm chuyên gia sản xuất giống lúa nêu trên; thông tin về công ty Dịch vụ Nông nghiệp Trọng Tín.

 

Đồng thời, Sở đề nghị ông Trần Minh Nhu, người đứng tên ký hợp đồng thuê đất, hợp tác với địa phương để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến việc thử nghiệm Tổ hợp lúa lai Nhị Ưu và trình bày mối quan hệ với người Trung Quốc nêu trên để  Sở NN& PTNT có hướng giải quyết và xử lý cụ thể.

 

Ngọc Thụ