1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

London, Paris, Singapore đương đầu với ùn tắc giao thông như thế nào?

(Dân trí) - Từ những thị trường mới nổi đang chuyển tiếp ở Ấn Độ và Trung Quốc đến các trung tâm đô thị lâu đời tại châu Âu và Hoa Kỳ, tốc độ đô thị hóa đã và đang tạo ra những thách thức cho các thành phố năng động nhất thế giới.

London, Hồng Kông và Singapore là những ví dụ về các thành phố có lượng lưu thông đáng kể vào giờ cao điểm.
London, Hồng Kông và Singapore là những ví dụ về các thành phố có lượng lưu thông đáng kể vào giờ cao điểm.

Một báo cáo từ hãng tư vấn bất động sản JLL cho thấy, chất lượng không khí chính là mối lo ngại hàng đầu trong quá trình đô thị hóa của Delhi. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng xe hơi đang không ngừng tăng, sự phát triển của các nhà xưởng, và phụ thuộc vào than đá đã góp phần vào tình trạng ô nhiễm tại Bắc Kinh, khiến nhiều trường học, công sở tạm ngừng hoạt động. Các khu đô thị lớn tại London, New York và San Francisco, thị trường nhà ở bị thổi phồng đang đặt ra nhiều lo ngại cho người dân.

Jeremy Kelly, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Toàn cầu, JLL cho biết: "Các thành phố mới nổi đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy về vấn đề kinh tế và dân số. Các thành phố cửa ngõ như London, Sydney hay Hong Kong lại gặp phải thách thức về nhu cầu bất động sản vượt quá nguồn cung".

Dân số đô thị gia tăng và tình trạng ùn tắc giao thông là những vấn đề đáng quan tâm ở các quốc gia. Vấn đề kẹt xe vào giờ cao điểm tại thủ đô Manila hiện là nan giải nhất trên thế giới với tình trạng tắt nghẽn giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ. Trong khi Anh là quốc gia xếp thứ hai với 11 thành phố nằm trong danh sách khu vực ùn tắc giao thông nhất thế giới và các doanh nghiệp địa phương chi hơn 750 tỷ bảng Anh cho tình trạng này.

Giao thông tại đô thị, gần giống với một khu công nghiệp, là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, với hơn 80% người dân thành thị trên toàn cầu tiếp xúc với không khí ô nhiễm vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Không khí tại London đã bị báo động ở mức nguy hiểm cao nhất hồi đầu năm nay, trong khi cuộc chiến lâu dài chống lại khói bụi của Los Angeles vẫn chưa giúp khu vực này thoát khỏi danh sách những nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất tại Hoa Kỳ.

Vị trí địa lý cũng có thể làm tăng những thách thức cho phát triển đô thị. Ví dụ, mức độ khói bụi gia tăng ở Hong Kong là kết quả của cơn gió bắc đến từ các khu công nghiệp của Trung Quốc.

Trong khi đó, ở các khu vực thường có lũ, mực nước biển dâng cao sẽ khiến tình hình phức tạp hơn, Kelly cho biết. Tình trạng ngập nước diễn ra nghiêm trọng là điều phổ biến ở các thành phố đang phát triển nhanh của Chennai và Jakarta, nơi mà đô thị chưa được phát triển theo kế hoạch đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng chưa được chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt.

"Đương đầu" với giao thông và ô nhiễm

Nhiều thành phố đang giải quyết hai vấn đề cùng một lúc - giao thông và ô nhiễm - bằng cách giảm lượng xe ô tô lưu thông trên đường.

Bắc Kinh, Paris và Manila nằm trong số các thành phố hạn chế lái xe dựa trên giấy phép vào những ngày mà chất lượng không khí không tốt. Tại Hà Nội và TPHCM, việc ùn tắc ngày càng nhiều do số lượng xe ô tô và xe máy gia tăng đã thúc đẩy cho kế hoạch của chính phủ thực hiện các hệ thống metro. Hà Nội cũng đang trao giải thưởng trị giá 200.000 USD cho các ý tưởng giúp làm giảm ùn tắc giao thông.

Tại Madrid và Oslo, xe ô tô sẽ bị cấm hoàn toàn khỏi các trung tâm thành phố trong vài năm tới, trong khi Copenhagen cho thấy kết quả ấn tượng của kế hoạch: Thủ đô của Đan Mạch áp dụng chiến dịch nói không xe ô tô từ những năm 1960, và hiện nay, đây là nơi có tỉ lệ sở hữu xe ô tô thấp nhất châu Âu, với hơn một nửa số người dân đi lại bằng xe đạp.

"Nhìn chung, quản lý đô thị hóa cần những kế hoạch dài hạn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới để chống ùn tắc và ô nhiễm,” Kelly chia sẻ.

London, Hồng Kông và Singapore là những ví dụ về các thành phố có lượng lưu thông đáng kể vào giờ cao điểm, nhưng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả cùng hình thức thanh toán trượt-và-đi (swipe-and-go) đã giúp những thành phố này tránh khỏi ùn tắc.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, nơi của một số thành phố ô nhiễm nhất thế giới, các nhà lập pháp đang giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá. Istanbul đã cấm sử dụng các hình thức ô nhiễm nhất, trong khi Bắc Kinh gần đây đã đóng cửa nhà máy điện than lớn nhất, chính phủ cũng đầu tư lắp đặt hệ thống sưởi bằng điện trên toàn thành phố.

Kelly cho biết: "Các nhà lập pháp Trung Quốc đang nhận ra rằng họ cần giảm ô nhiễm không khí ở địa phương, và kết quả là nước này đang bắt đầu dẫn đầu trong các hoạt động phát triển bền vững".

Amsterdam lấy lại những hòn đảo để xây nhà giá rẻ

Một số thành phố mới nổi và phát triển đang có những kế hoạch tăng trưởng bằng các giải pháp sáng tạo và bền vững.

Để đáp ứng mức dân số gia tăng, chính quyền Amsterdam đang lấy lại những hòn đảo và các vùng đất “tự trị" để xây nhà giá rẻ cho công dân.

Tại Colombia, đầu tư vào hệ thống giao thông bền vững đã góp phần cải thiện bình đẳng xã hội ở Bogota, trong khi Medellin chuyển từ một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới thành mô hình phát triển đô thị bền vững với hệ thống cáp treo miễn phí, thang cuốn nối các khu vực của thành phố và hệ thống chia sẻ xe đạp cùng tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phát triển bất động sản ở các thị trường mới nổi đều tập trung vào những lợi ích lâu dài của sự phát triển bền vững, mà họ còn xem xét đến lợi ích ngắn hạn trong việc nhanh chóng xây dựng tài sản để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Kelly cho biết: "Các thành phố mới nổi có cơ hội duy nhất để phát triển môi trường đô thị của họ bằng các phương pháp xanh, hiệu quả và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Các chính phủ đang dần dần ban hành và thực thi các quy định về xây dựng bền vững, nhưng điều này cần được phối hợp với những cam kết sâu sắc hơn từ ngành bất động sản để có những bước tiến vững vàng".

Phương Dung