1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lộn xộn hoạt động bán hàng đa cấp ở nông thôn

Thôn Nghĩa Chính, xã Phú Xuân, TP.Thái Bình chỉ có khoảng 1.200 nhân khẩu nhưng lúc cao điểm có tới 3.000 người thuê trọ, 90% trong số đó là nhân viên của các công ty bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, theo đó người bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và của những người trong mạng lưới.

 

Chính phủ Việt Nam có cho phép hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp, tuy nhiên có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia, gây nên ảo tưởng về một công việc làm ít, hưởng nhiều. Hoạt động này đã gây mất trật tự xã hội, khiến chính quyền nhiều địa phương lo ngại.            

 

Ba năm trở lại đây, thôn Nghĩa Chính, xã Phú Xuân, TP Thái Bình có lượng người cư trú tăng vọt. Thôn chỉ có khoảng 1.200 nhân khẩu nhưng lúc cao điểm có tới 3.000 người thuê trọ, 90% trong số đó là nhân viên, học viên của các công ty bán hàng đa cấp. Trong ngôi nhà trọ - nơi sinh sống và làm việc của 20 nhân viên công ty TNHH Lô Hội, đồ đạc, vật dụng sinh hoạt hầu như chỉ ở mức tối thiểu, nhưng tất cả đều tin và chờ đến thời điểm được nhận mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.   

 

Làng quê bình yên đang quá tải bởi đội ngũ nhân viên kinh doanh đa cấp. Ảnh: VTV News
Làng quê bình yên đang quá tải bởi đội ngũ nhân viên kinh doanh đa cấp. Ảnh: VTV News

 

Anh Mai Đức Thành (Thanh Hóa) cho biết: “Trong tháng này em sẽ đạt được cấp độ giám sát, mức lương chỉ được trên 4 triệu đồng, không nhiều nhưng cái đích của em là giám đốc trong một ngày sớm nhất”.        

 

Theo những người kinh doanh nhà trọ, cứ đợt này đi thì đợt khác lại đến, họ cũng chỉ nhận thấy có sự thay đổi về số lượng chứ không hiểu người ta đang làm gì. “Số lượng người được nâng dần, đợt này 5-7 cháu, sau đó lên 10-20 cháu. Từ ngày có nhà trọ đến giờ, lúc nào cũng đầy ắp người”, ông Nguyễn Xuân Tiến, Nghĩa Chính, Phú Xuân, Thái Bình nói.

 

Cả thôn có hơn 400 nóc nhà, giờ tiếp nhận thêm lượng người gấp 2-3 lần nên đầu làng, cuối xóm, từ sớm tới khuya lúc nào cũng có sự xuất hiện ồn ào của nhân viên bán hàng đa cấp.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, nếu tính trên toàn xã và cả các xã lân cận thì con số nhân viên kinh doanh đa cấp lên tới 10.000 người. Ông tỏ ra ngạc nhiên về cách ăn ở, làm việc thất thường của họ. “Cứ thấy họ sống, sinh hoạt như vậy không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao, nghề này có được bền vững hay không”.

 

Chưa biết những công việc nhàn hạ thu nhập cao được vẽ ra có thể đổi đời cho cả chục nghìn người hay không, nhưng nếu với cách lôi kéo, gia tăng số lượng nhân viên theo cách người này giới thiệu người kia, người đến sau nuôi người trước, thì sớm muộn cũng có người phải bỏ cuộc.   

 

Theo VTV