1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lộ diện "ông lớn" thâu tóm Nước khoáng Vĩnh Hảo

(Dân trí) - Gemadept đã lộ diện là đối tác bán cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo cho "ông lớn" ngành tiêu dùng Masan. Vĩnh Hảo là thương hiệu nước khoáng trong nước đầu tiên tại Việt Nam, thành lập từ năm 1930, có vốn điều lệ 81 tỷ đồng.

Lộ diện ông lớn thâu tóm Nước khoáng Vĩnh Hảo


Theo thông tin được công bố từ Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD), hôm 31/1/2013 vừa rồi, công ty này đã hoàn tất việc bán hơn 2 triệu cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo và giảm cổ phần nắm giữ xuống còn vỏn vẹn hơn 332 nghìn cổ phần, tương ứng 4,1% vốn. Như vậy, sau thương vụ này, GMD không còn là cổ đông lớn của Vĩnh Hảo.

Trước đó, GMD có gần 2,35 triệu cổ phần tại Vĩnh Hảo, tương ứng 29% vốn điều lệ công ty này.

Trong thông báo phát ra hôm qua, GDM không tiết lộ đối tác nhận chuyển nhượng cũng như mức giá thực hiện là bao nhiêu, song dễ dàng có thể nhận thấy, bên còn lại của thương vụ này chính là CTCP Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer - MSF).

Ngày 1/2, MSN đã có thông cáo về giao dịch của MSF mua lại 24,9% cổ phần Vĩnh Hảo - đúng bằng phần vốn mà GMD chuyển nhượng.

Vĩnh Hảo là thương hiệu nước khoáng trong nước đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1930, chuyên sản xuất nước khoáng, nước uống tinh khiết và nước ngọt sản xuất từ nước khoáng. Vốn điều lệ công ty hiện ở mức 81 tỷ đồng.

Theo số liệu công bố tại Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 tổ chức hồi tháng 4/2012 của Vĩnh Hảo, trong năm 2011, công ty có tổng doanh thu 384,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,45 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8,54 tỷ đồng. Mức doanh thu Vĩnh Hảo bằng khoảng 53% doanh thu La Vie đạt được cùng năm.

Kế hoạch doanh thu cho năm 2012 được cổ đông Vĩnh Hảo thông qua là 475,88 tỷ đồng doanh thu và 25,35 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế. Cho tới hiện tại, công ty chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012.

Trong khi đó, lĩnh vực chính của MSF là sản xuất nước chấm, mỳ ăn liền và cà phê hòa tan. Với tham vọng lấn sân thị trường đồ uống, MSN cho biết, "trên cơ sở giao dịch này, MSF cũng có kế hoạch tiến hành chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu của mình với các điều khoản thương mại tương tự".

Hiện tại, trên thị trường nước khoáng đóng chai của Việt Nam, bên cạnh Vĩnh Hảo, đa số là các nhãn hiệu thuộc doanh nghiệp ngoại như La Vie (Nestle), Aquafina (Pepsi), Dasani (Coca Cola). Một số thương hiệu khác trong nước là Thạch Bích, Vital, Tiền Hải...

Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2012 của GMD, công ty sở hữu 29% Nước khoáng Vĩnh Hảo với tổng giá trị đầu tư 38,8 tỷ đồng. Tính ra, giá vốn cho mỗi cổ phiếu chỉ ở mức 16.500 đồng.

Cổ phiếu GMD đã liên tục tăng giá kể từ tháng 12 năm ngoái cho đến nay. Mức giá đóng cửa ngày 4/2 của cổ phiếu này là 27.300 đồng. Tính từ đầu tháng 1 đến nay, cổ phiếu GMD đã tăng gần 52% từ mức giá 18.000 đồng đóng cửa phiên 2/1. Trong phiên hôm qua, GMD được thỏa thuận tới hơn 2 triệu cổ phiếu, giá trị gần 52 tỷ đồng.

Mai Chi