1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lộ diện nhiều "sự lạ" trong top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

(Dân trí) - Có ít nhất 5 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trong giai đoạn 2008 - 2011 không đủ chuẩn song vẫn "lọt sàng" vào danh sách tăng trưởng nhanh nhất năm 2012 FAST500, thậm chí có doanh nghiệp còn đứng Top 10.

Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) sau khi công bố chính thức vào ngày 11/3 đã ngay lập tức gây chú ý với việc xuất hiện một doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản là Công ty Chứng khoán SME ngay tại vị trí thứ 30 của bảng xếp hạng này.

Trước những thắc mắc của dư luận, Vietnam Report - tổ chức thực hiện xếp hạng cho hay, thứ hạng của các doanh nghiệp trong FAST500 năm 2012 được quyết định bởi tốc độ tăng trưởng doanh thu kép trong giai đoạn 2008 - 2011.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) của doanh nghiệp trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2012 được tính theo công thức:

Nguồn: FAST500.vn.

Nguồn: FAST500.vn.

Với việc áp dụng công thức này đối với kết quả doanh thu của SME, Vietnam Report đánh giá, "có thể một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt trong năm 2012 nhưng vẫn có thể đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2012 do mức tăng trưởng doanh thu của họ trong giai đoạn 2008-2011 là cao".

Cùng với đó, tổ chức này cũng đưa khuyến cáo đáng lưu tâm là "các doanh nghiệp FAST500 cần lưu ý những rủi ro của tăng trưởng nóng".

Tuy nhiên, với những thông tin tài chính hiện tại liên quan đến SME được công bố qua các kênh chính thức (Ủy ban chứng khoán; website công ty) thì kết quả sản xuất kinh doanh của SME năm 2011 vẫn chưa có.

Trong bài viết này, Dân trí không đưa ra bình luận về bảng xếp hạng của FAST500 năm 2012 và chỉ cung cấp thêm cho độc giả một số khía cạnh mang tính phát hiện đối với những kết quả về một số doanh nghiệp có trong bảng xếp hạng này.

Website chính thức FAST500.vn cung cấp cho nhà đầu tư và độc giả một cách khá kỹ lưỡng về quy trình xếp hạng, trong đó, trong giai đoạn 1 "Lựa chọn những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xếp hạng" vẫn còn những "hạt sạn" lọt sàng.

Theo đó, tiêu chí quan trong nhất để được đưa vào diện xếp hạng phải là những doanh nghiệp được thành lập và ổn định trong hơn 4 năm (tính trong thời điểm xếp hạng), có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về doanh thu trong giai đoạn 2008-2011 (theo chỉ tiêu tăng trưởng kép CAGR) đạt tối thiểu 20%, có tỉnh đến các chỉ tiêu tổng tài sản, lợi nhuận và số lao động tại doanh nghiệp.

Qua thống kê sơ bộ ban đầu của Dân trí, có ít nhất 5 doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn chỉ tiêu CAGR tối thiểu 20% mà Vietnam Report đưa ra song vẫn có tên trong danh sách này, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc Top 10 tăng trưởng nhanh là CTCP Vimeco.

Theo báo cáo tài chính sau soát xét của Vimeco (VMC), tổng doanh thu công ty năm 2008 đạt 1.093,92 tỷ đồng, đến năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 1.033,79 tỷ đồng. "Lắp" vào công thức tính CAGR, thì tốc độ tăng trưởng kép của Vimeco thậm chí đạt âm 1,87% (-1,87%). Kết quả này có một khoảng cách rất xa nếu không nói là trái ngược với chỉ tiêu tối thiểu 20% mà nhà xếp hạng yêu cầu.

Chưa kể, các chỉ số khác như lợi nhuận của công ty này giảm đã giảm mạnh từ 37,13 tỷ đồng năm 2008 xuống còn 22,94 tỷ đồng năm 2011. Tổng tài sản cũng giảm từ 1.167,66 tỷ đồng xuống còn 1.088,22 tỷ sau 3 năm.

Tuy nhiên, trong xếp hạng FAST500 năm 2012, Vimeco vẫn đứng thứ 10, vượt mặt hàng trăm doanh nghiệp khác.

Một số chỉ tiêu về doanh thu của Vimeco trong giai đoạn 2008-2011.

Một số chỉ tiêu về doanh thu của Vimeco trong giai đoạn 2008-2011.
Đơn vị: VNĐ - Nguồn BCTC doanh nghiệp/Dân trí.


Một doanh nghiệp khác xếp hạng thứ 55 trong bảng danh sách "danh giá" này là CTCP Xây dựng số 7 (VC7).

Qua tính toán, tốc độ tăng trưởng kép của VC7 trong giai đoạn từ 2008 đến 2011 chỉ đạt 9,17% (dưới chuẩn). Mặc dù doanh thu tăng song lợi nhuận công ty giảm nhẹ. Cũng trong thời kỳ này, nợ của công ty tăng 2,77 lần trong khi tổng tài sản chỉ tăng 2,3 lần.

CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) xếp thứ 54 trong bảng xếp hạng FAST500 song chỉ tiêu tăng trưởng kép từ 2008 đến 2011 cũng chỉ ở mức 10,2%. Mặc dù lợi nhuận và tổng tài sản trong kỳ tăng, tuy nhiên, nếu đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) thì chỉ số này đã giảm từ 15,8% năm 2008 xuống14,4% năm 2011.

Xếp thứ 34, chỉ tiêu tăng trưởng kép giai đoạn 2008-2011 của CTCP NTACO (ATA) cũng chỉ đạt 16,37% - không đáp ứng yêu cầu tối thiểu 20%. Trong khi đó, tổng nợ cũng tăng hơn 2 lần. Điều đáng nói, chỉ số ROE trong giai đoạn này của công ty giảm mạnh từ 18% xuống còn 12%.  

CTCP Thế kỷ 21 (C21) xếp thứ 74 trong danh sách tăng trưởng nhanh nhất năm 2012, tuy vậy, quan sát kết quả doanh thu từ năm 2008 đến 2011 của công ty, chỉ số CAGR chỉ đạt 12,23%. C21 có thể coi là công ty có nhiều điểm sáng nhất trong số 5 doanh nghiệp có tên ở đây khi có lợi nhuận trong kỳ tăng 1,58 lần, tổng tài sản tăng 1,81 lần trong khi tổng nợ tăng nhẹ.

Mai Chi