1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Lệnh" hợp nhất kiểm tra chuyên ngành, cấm "hành" doanh nghiệp

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo các Bộ, ban ngành rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hoá xuất nhập khẩu và ngay trong tháng 6/2017, phải hợp nhất văn bản có tên khác nhau nhưng cùng bản chất, không cản trở doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, 6 Bộ nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc giấy phép KTCN gồm: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Tư pháp.

Kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Văn bản nêu rõ, theo chức năng nhiệm vụ, các Bộ phải rà soát toàn bộ các giấy phép KTCN, không gây phiền hà cho DN và giải quyết những chồng chéo, bất hợp lý của giấy phép KTCN cho DN mà các phương tiện truyền thông, DN đã nêu tên gần đây.

Cụ thể, Phó Thủ tướng lệnh cho các Bộ ngành phải xác định những loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN. Kết quả thực hiện việc hợp nhất các giấy phép KTCN phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 6/2017.

Trước đó, Bộ Tài chính được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao đánh giá, rà soát việc thực hiện KTCN, tìm hiểu thực tế hiện tượng các mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ KTCN nhưng có nội dung như nhau.

Bộ Tài chính khẳng định, KTCN hiện được ban hành và diễn ra ở nhiều Bộ ngành, ở nhiều mặt hàng khác nhau và còn có sự chồng chéo trong quản lý và KTCN. Nhiều mặt hàng NK phải cùng lúc chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định.

Ví dụ: Mặt hàng sữa chua, pho-mát phải chịu quản lý và KTCN của hai Bộ, vừa phải kiểm dịch động vật (Bộ Nông nghiệp) vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Các giống cây trồng, gạch, đá, kính… phải kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

Mặt hàng trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc… thì vừa phải xin phép NK vừa kiểm tra chất lượng. Cá biệt, mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý/kiểm tra, gồm: Giấy phép NK tự động, kiểm tra chất lượng và chứng nhận hợp quy.

Có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một Bộ chuyên ngành, như kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm… (điều là các giấy phép KTCN của Bộ Nông nghiệp)

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.

Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo trong KTCN là do các bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN quá rộng, không chi tiết tên hàng, không có mã số HS. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được bãi bỏ.

Theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, trong quý I/2017, các Bộ phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan.

Hướng xử lý là kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu...Tuy nhiên, đến nay, chưa có Bộ nào ban hành Danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải KTCN tại khâu thông quan.

Nguyễn Tuyền