1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lập công ty mua bán nợ: Cần thận trọng

Giải pháp thành lập công ty mua nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải được đặt trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Tức là, nếu tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa đến mức ảnh hưởng nguy hiểm đến tính an toàn của hệ thống thì các chính sách can thiệp của NHNN vào lúc này cần phải thỏa mãn những nguyên tắc dưới đây:

1. Đảm bảo nguyên tắc thị trường được tôn trọng: ai làm tốt được tưởng thưởng, người nào làm sai phải bị trừng phạt. Người tạo ra nợ xấu phải trả giá để họ phải thận trọng hơn trong tương lai.

2. Hiệu quả: chính sách phải nhắm tới mục tiêu cuối cùng là gia tăng việc làm và sản lượng của nền kinh tế. Tức là mỗi đồng tiền được chi tiêu phải trực tiếp đến được các dự án sinh lời cao, tăng năng suất cho nền kinh tế.

3. Xử lý được các yêu cầu khẩn thiết trong ngắn hạn của nền kinh tế hiện nay. Đó là sự giải thể và phá sản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, giải thể, đóng cửa...
 
4. Đảm bảo công bằng giữa ngân hàng và người đóng thuế. Chi tiêu giải cứu ngân hàng mà không nhận lại được gì có nghĩa là đem tiền thuế của người dân đi biếu cho những ông chủ giàu có nhất, và hầu như không tạo ra số nhân chi tiêu.

Việc dùng tiền thuế của người dân để mua nợ xấu của các ngân hàng là không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Thứ nhất chỉ có cạnh tranh mua bán nợ mới có thể xác định được giá trị chính xác của các khoản nợ. Giá trị của các khoản nợ là sự mặc cả giữa công ty mua bán nợ của NHNN và chủ nợ thì không có gì đảm bảo giá trị các khoản nợ sẽ được xác định công tâm và chính xác. Nếu giá mua quá cao so với giá trị thực của khoản nợ thì công ty mua bán nợ sẽ chịu lỗ và các ngân hàng có nợ xấu đã không bị trừng phạt đúng mức. Còn nếu giá mua quá thấp thì không có ý nghĩa giải cứu các ngân hàng này.

Thứ hai, theo nguyên tắc thị trường khi ngân hàng cho vay lãi suất cao thì rủi ro nợ xấu tăng lên do đó ngân hàng tăng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động để tăng quỹ dự phòng rủi ro. Chính vì lẽ đó mà khi lãi suất lên cao, doanh nghiệp kêu trời thì ngân hàng lại báo lợi nhuận rất cao. Như vậy nếu các khoản nợ xấu của các ngân hàng được công ty mua bán nợ của NHNN giải thoát thì các ngân hàng có thể yên tâm thụ hưởng phần lợi nhuận cao mà không phải lo lắng gì thêm.

Việc dùng tiền thuế của dân để giải cứu nợ xấu của các ngân hàng cũng không đảm bảo nguyên tắc hiệu quả vì đồng tiền đó không được sử dụng vào chỗ có khả năng tăng năng suất cho nền kinh tế, mà được dùng để mua lại không qua cơ chế cạnh tranh những khoản đầu tư kém hiệu quả của những nhà đầu tư yếu kém. Thêm vào đó khi các bảng cân đối tài sản của các ngân hàng được lành mạnh hóa thì không có gì đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tín dụng, việc làm và thu nhập của người nghèo không có gì được đảm bảo sẽ tốt hơn.

Như vậy nếu NHNN tham gia trực tiếp vào hoạt động mua bán nợ thì sẽ không đảm bảo được các nguyên tắc thị trường, hiệu quả, công bằng và cấp thiết. Sẽ là tốt hơn nếu Chính phủ thực hiện hai gói giải pháp song song. Thứ nhất, NHNN chỉ giữ vai trò tạo lập thị trường mua bán nợ cho phép sự tham gia của các thành phần kinh tế. NHNN có thể hỗ trợ hoạt động mua bán nợ này bằng chính sách cấp tín dụng mua nợ cho các công ty/ngân hàng mua nợ. Điều này cho phép giảm quy mô can thiệp của NHNN và đảm bảo nguyên tắc thị trường được tôn trọng.

Thứ hai, để đảm bảo nguyên tắc hiệu quả và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các khoản hỗ trợ trực tiếp luôn đạt hiệu quả cao nhất ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng. Chúng ta biết rằng tổng số thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh năm 2011 là 88.864 tỉ đồng. Do đó giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp này không cần đến 40% số tiền 100.000 tỉ dự kiến mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại mà hiệu quả chắc chắn cao hơn nhiều.

Chính vì vậy, xin hãy thận trọng khi thành lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng.
Việc dùng tiền thuế của người dân để mua nợ xấu của các ngân hàng là không đảm bảo nguyên tắc thị trường và cũng không đảm bảo nguyên tắc hiệu quả vì đồng tiền đó không được sử dụng vào chỗ có khả năng tăng năng suất cho nền kinh tế.
 
Theo TS. Nguyễn Tú Anh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn