1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thanh Hóa:

Lãnh đạo phòng ký văn bản đi thanh tra doanh nghiệp... không kết luận

(Dân trí) - Trong năm, một số sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại nhiều doanh nghiệp (DN). Có trường hợp, lãnh đạo cấp phòng của sở ký văn bản, giấy giới thiệu cho công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ của phòng đến kiểm tra DN nhưng không kết luận.

Đó là thực tế về công tác thanh tra, kiểm tra DN của một số sở, ngành, địa phương trong thời gian qua được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ ra.

Theo đó, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra DN trên địa bàn Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực; các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều cố gắng, giải quyết kịp thời các kiến nghị của DN, qua đó giúp DN chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo pháp luật...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, không để mỗi lĩnh vực thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra; mỗi phòng thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tự ý đến DN kiểm tra;
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, không để mỗi lĩnh vực thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra; mỗi phòng thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tự ý đến DN kiểm tra;

Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Một số sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại nhiều DN trong năm. Cá biệt, có trường hợp lãnh đạo cấp phòng của sở ký văn bản, giấy giới thiệu cho công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ của phòng đến kiểm tra DN, không kết luận, sai quy định, gây nhũng nhiễu, phiền hà.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, thời gian kiểm tra còn kéo dài, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra và kết luận thanh tra, kiểm tra chưa rõ ràng...

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành chỉ thị về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu giám đốc các đơn vị, địa phương khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải căn cứ nguy cơ vi phạm trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, căn cứ kết quả phân loại DN theo tiêu chí yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra (xếp theo loại A, B, C, D). Đối với DN có nguy cơ vi phạm cao (xếp loại D) thì thanh tra 1 lần/năm; các DN khác nguy cơ thấp hơn thì thanh tra, kiểm tra ít hơn.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ nội dung, số lượng, tên, địa chỉ DN và gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm để xử lý chồng chéo. Khi Thanh tra tỉnh có văn bản xử lý chồng chéo mới phê duyệt kế hoạch thanh tra; không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN.

Nội dung thanh tra, kiểm tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao. Nếu trong sở, ngành có nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực để thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì chỉ thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra chung.

Không để mỗi lĩnh vực thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra, mỗi phòng thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tự ý đến DN kiểm tra; rút ngắn thời gian thanh tra trực tiếp tại DN; ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra đúng quy định...

Đối với trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng và phải có kết luận.

Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm về căn cứ ra quyết định thanh tra, kiểm tra. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, kiểm tra. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất...

Trường hợp phát hiện có sự chồng chéo thì yêu cầu các đơn vị dừng thanh tra, kiểm tra, nếu không thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công an, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa không để lãnh đạo các phòng chuyên môn ký văn bản hoặc giấy giới thiệu cho cán bộ, chiến sĩ đến kiểm tra DN khi chưa có quyết định của giám đốc.

Trần Lê