1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Làm vách ngăn lái xe và hành khách trên taxi: Lãng phí và chưa cần thiết!?

(Dân trí) - Sau vụ việc nữ sinh viên Đại học Sư phạm Huế bị lái xe taxi sát hại trong đêm, dư luận đang dấy lên quan ngại về loại hình taxi chở khách có nhiều tiềm ẩn, đồng thời có ý kiến cho rằng, cần thiết lập rào bằng kính hoặc lưới thép ngăn cách khoang hành khách và lái xe taxi để bảo vệ khách cũng như lái xe trong tình huống bất trắc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vận tải cho hay, việc ngăn cách trong taxi như một số nước là chưa cần thiết, đồng thời không để "con sâu bỏ rầu nồi canh", thiểu số để áp đặt cho đa số.

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội về vấn đề này.

Thưa ông, sau sự việc nữ sinh Đại học sư phạm Huế bị lái xe taxi sát hại tại Hà Tĩnh, có quan điểm cho rằng, chúng ta cần làm mọi biện pháp để bảo vệ hành khách, trong đó có cả mô hình rào chán ngăn cách khoang hành khách và lái xe taxi như nhiều nước đã và đang áp dụng, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã đi một số nước, có nước làm hàng rào ngăn cách ghế sau và ghế lái trong đó có Trung Quốc là điển hình. Tuy nhiên, phải nói là việc ngăn cách này là bất đắc dĩ, quan điểm của tôi là ở Việt Nam hiện nay là chưa cần thiết và sẽ khiến các hãng taxi mất nhiều kinh phí hơn.


Đi taxi tại Việt Nam rủi ro vẫn còn dù đây là hình thức vận chuyển hành khách văn minh, lịch sự

Đi taxi tại Việt Nam rủi ro vẫn còn dù đây là hình thức vận chuyển hành khách văn minh, lịch sự

Nếu quy định lập hàng rào, thì hàng chục nghìn chiếc xe sẽ phải gia cố lại biện pháp bảo vệ, trong khi chúng ta không biết có phù hợp và có hiệu quả hay không. Phát sinh chi phí đầu tư lớn cho các hãng, trong khi mục đích cuối cùng không đạt được. Tôi cho rằng, hàng rào chưa cần thiết ở Việt Nam bởi vì tình hình xã hội của mình rất ổn định, những sự việc xảy ra vừa qua chỉ là sự cố đột biến. Nếu làm hàng rào mà lái xe có động cơ và chủ ý thì vẫn có thể bị sát hại.

Tại Việt Nam, những vụ đánh cắp taxi, giết người liên quan đến taxi đã có song chưa phải là vấn nạn nhức nhối, xảy ra hàng loạt, nên chưa đến mức phải làm hàng rào. Chỉ những nước có tình hình xã hội phức tạp, họ mới áp dụng cách làm này.

Bên cạnh việc không cần thiết, nếu đi trong các taxi có hàng rào ngăn cách, chúng ta sẽ thấy thiếu thẩm mỹ, không có sự liên kết giữa các lái xe taxi với hành khách. Người đi taxi không khác gì đi xe tải, ở trong chuồng gà mà không thể quan sát phía trước được. Đi taxi ở Việt Nam là văn hóa giao thông văn minh, nhiều lái xe có sự liên hệ với hành khách, nói chuyện và giao tiếp với khách hàng. Nếu bây giờ đặt hàng rào ngăn cách thì mất đi tính văn minh, lịch sự và giao tiếp với khách hàng.

Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều nước quy định taxi phải có ngăn cách giữa người lái với khách đi, điều này vừa đảm bảo an toàn cho lái taxi vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng? Việt Nam cần áp dụng mô hình nào cho phù hợp?

Trên thế giới hiện có thành phố New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc), Giang Tô (Trung Quốc) đã thí điểm và áp dụng sử dụng ngăn cách lái xe taxi và hành khách. Tuy nhiên, mục đích của họ chủ yếu là ngăn ngừa nguy hiểm dành cho lái xe taxi trước nguy cơ bị cướp hoặc bị sát hại từ khách đi đường. Còn trên thực tế, những biện pháp cứng này không có mục đích bảo vệ khách hàng.

Ở Thái Lan, quy định bảo vệ khách hàng bằng cách lắp đặt camera trên taxi, hãng xe theo dõi các xe, nếu có trường hợp bất ngờ xảy ra, hệ thống định vị toàn cầu GPS sẽ giám sát hành trình, xác định địa điểm để cảnh sát kiểm soát cũng như xử lý vụ việc. Tại Việt Nam, hệ thống định vị GPS cũng được nhiều hãng ứng dụng, điều này hạn chế được những vụ việc cướp taxi xảy ra trong thời gian qua.

Tôi cho rằng, biện pháp vừa bảo vệ cho khách hàng, cho lái xe taxi tốt nhất hiện nay là lắp GPS, camera thậm chí có thể lắp hộp đen cho taxi. Đây là điều mà Việt Nam nên và cần làm để các hãng quản lý tốt hơn xe và lái xe của mình vừa giúp cơ quan chức năng quản lý vấn đề xã hội khi nảy sinh.

Việc phát triển quá nhanh, quá nhiều taxi ở các đô thị lớn, dẫn đến sự tranh đua khách, có hiện tượng tuyển dụng ồ ạt lái xe mà không có lý lịch "sạch" không thưa ông?

Thực tế, rất nhiều hãng đang tuyển dụng và kêu gọi góp vốn lập đội xe mà không căn cứ vào lý lịch, sức khỏe của người lái taxi. Tôi từng chứng kiến sự việc, lái xe taxi bị chạy thận, sức khỏe kém nhưng vẫn mua được giấy khám sức khỏe rồi ngày đi lái xe, tối về chạy thận. Vì lợi nhuận, nhiều hãng taxi đang quên đi việc xây dựng văn minh trong văn hóa kinh doanh, sự thân thiện và an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến taxi của mình. Chúng ta cần nhìn lại vấn đề này để cạnh tranh được với các dịch vụ chuyên chở mới hiện nay như Uber hay Grabtaxi...

Ông có lời khuyên nào cho hành khách đi taxi sau sự việc đau lòng xảy ra mới đây ở Hà Tĩnh?

Sự việc đau lòng xảy ra, tôi có lời khuyên đối với những người đi xe là hạn chế đi tối hoặc đêm, nhất ở chị em phụ nữ, trẻ em đi một mình ở các tỉnh, địa phương hẻo lánh. Nếu trường hợp cần thiết bắt buộc phải đi thì cần ghi lại số điện thoại đường dây nóng, hỏi liên tục tài xế về đường dây nóng của hãng để ngăn ngừa ý đồ của lái xe (nếu có); thông báo hành trình đi ngay trên xe đối với gia đình, người thân để người trong gia đình biết được bạn đang ở đâu, đồng thời khiến dập tắt ý định của lái xe.

Nếu trường hợp xe đổi hướng mà không thông báo, người đi taxi phát hiện cung đường khác so với cung đường đã đi thì cần bình tĩnh gọi điện cho người thân thông báo hoặc khi đi qua nhà dân, nơi có nhiều người rồi viện nhiều lý do xuống xe để thoát thân.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền(Thực hiện)