1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chụp cắt lớp nợ xấu - Bài cuối:

Làm gì để không mất vốn?

Tài sản thế chấp ảo, nâng khống giá trị tài sản, cổ đông lớn chi phối rút tiền ngân hàng chuyển cho công ty sân sau dẫn đến mất vốn ngân hàng là những câu chuyện có thật khiến các ngân hàng điêu đứng, giảm sút lợi nhuận vì những khoản nợ này.

Nợ xấu ăn vào vốn ngân hàng (ảnh minh họa).
Nợ xấu ăn vào vốn ngân hàng (ảnh minh họa).

 

Bào mòn vốn

 

Báo cáo tài chính hợp nhất của các ngân hàng năm 2012 đều cho thấy, nợ xấu đang ngày đè nặng lên hoạt động của các ngân hàng. Việc trích lập dự phòng rủi ro đang làm giảm dần sức mạnh, bào mòn vốn kinh doanh đối với hầu hết các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

 

Theo báo cáo, chất lượng nợ, nợ xấu của Ngân hàng Á Châu (ACB) tại thời điểm cuối năm 2012 là 2,5%/tổng dư nợ, tăng gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ 0,89% cuối năm 2011.

 

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,7 lần; nợ nghi ngờ tăng gần gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,8 lần. Đặc biệt, tại thời điểm cuối năm 2012, ACB có hơn 1.150 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

 

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) báo cáo tài chính hợp nhất 2012 cho thấy, dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng gấp 3 lần từ 394 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 1.366 tỷ đồng cuối năm 2012.

 

Thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần chia sẻ, nếu theo phân nhóm nợ, doanh nghiệp chậm thanh toán một năm thì bị xếp vào diện nợ mất vốn và ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu 100%.

 

"Đến nay chúng ta nói nhiều đến nợ xấu nhưng tỷ lệ nợ xấu mất vốn, nợ xấu được “đáo hạn”, làm mới đang chiếm bao nhiêu phần trăm vẫn chưa được làm rõ. “Theo nguyên tắc nếu ngân hàng không đủ lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro thì khả năng nợ xấu sẽ ăn vào vốn tự có. Còn tính theo cách cơ học thì nợ xấu đang tác động tiêu cực đến khoảng 1/4 vốn chủ sở hữu của các ngân hàng”- vị này nói.

 

Xử lý nợ xấu thế nào?

 

Theo các chuyên gia, dù có được thành lập thì Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) sẽ hoạt động chủ yếu dưới hình thức chuyển cục nợ từ kho này sang kho khác. Biện pháp hiệu quả nhất là vẫn phải để cho những doanh nghiệp yếu, ngân hàng yếu phá sản.

 

Trao đổi với PV, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, có nhiều cách để xử lý nợ xấu trong đó cách chúng ta đang lựa chọn là thành lập Công ty quản lý tài sản hay còn gọi là công ty mua bán tài sản quốc gia (AMC). Công ty này phần lớn sẽ xử lý phần lớn các loại nợ của doanh nghiệp (DN) từ 3 tỷ đồng trở lên và với cá nhân là 1 tỷ đồng trở lên.

 

Sau khi thành lập, AMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt, nói cách khác đó là khoản tiền ghi sổ.

 

“Như vậy, ngay lập tức nợ xấu của ngân hàng thương mại sẽ được chuyển toàn bộ qua AMC. Quan hệ nợ lúc này là giữa doanh nghiệp với AMC chứ không phải với ngân hàng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng AMC chỉ là cách chuyển cục nợ từ kho này sang kho khác. Chứ bản chất doanh nghiệp ấy vẫn đang có nợ, nên việc vay vốn ngân hàng cũng không dễ dàng gì”- ông Nghĩa nói.

 

Từng tham gia mở ngân hàng tại Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không để cho một ngân hàng nào phải phá sản là một sai lầm. Phải để cho chính các ngân hàng phải tự cạnh tranh, phải đối diện với vấn đề có khả năng bị loại trừ khỏi thị trường nếu hoạt động yếu kém. Nhà nước không nên bảo vệ các ngân hàng một cách tuyệt đối như vậy.

 

“Ngân hàng Nhà nước phải có kế hoạch rõ ràng trong việc sáp nhập các ngân hàng, có sự hỗ trợ để các ngân hàng có điểm chung khi hợp tác với nhau. Còn những ngân hàng nào quá yếu kém thì có lẽ nên để cho thị trường đào thải. Cũng không nên sợ sẽ có phản ứng dây chuyền. Thật ra người dân đủ sáng suốt để biết các đơn vị yếu kém cần phải loại trừ còn hơn để cả hệ thống ngân hàng lình xình trong trạng thái không hoàn toàn khỏe mạnh”- ông Hiếu nói.

 

Theo Phạm Tuyên - L.Thạch Miên

Tiền Phong