1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lãi suất huy động có thể giảm tiếp xuống 7%

(Dân trí) - Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, lãi suất có khả năng giảm tiếp xuống 7%/năm vào quý I/2013. Còn theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, cơ quan điều hành đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường.

Trần lãi suất huy động hiện ở mức 8%/năm.
Trần lãi suất huy động hiện ở mức 8%/năm.

Ngày 24/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7%; thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng diễn biến theo xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.

Đánh giá về các bước chuyển biến này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là bước đi rất thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, bởi với các điều kiện trước đó chúng ta có thể hạ trần lãi suất huy động xuống mức 8% từ đầu quý IV năm 2012. “Mặc dù chịu khá nhiều áp lực nhưng NHNN cũng duy trì tới cuối quý IV mới điều chỉnh trần lãi suất huy động này và tôi cho rằng mức trần lãi suất huy động 8% như hiện nay là hợp lý”, ông Ánh nói.

Việc giảm lãi suất huy động thêm 1% được xem là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang bị vướng trong việc điều chỉnh do có 4 - 6 ngân hàng yếu kém không thể vay được trên thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng này phải tăng huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao, khiến mặt bằng lãi suất chưa thể giảm tự nhiên.

Tuy nhiên, cùng với tín hiệu điều chỉnh giảm lãi suất vào ngày 24/12 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, lãi suất huy động VND có khả năng giảm tiếp xuống 7%/năm vào quý I/2013. Và cũng theo ý kiến của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ trần lãi suất trong điều kiện chấn chỉnh được thị trường liên ngân hàng, tạo ra lòng tin để các ngân hàng lớn thấy ngân hàng nhỏ cũng có khả năng trả nợ.

Nói về khả năng tiếp tục điều chỉnh lãi suất vào đầu năm 2013, ông Phạm Xuân Hòe - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Điều hành lãi suất năm tới của Ngân hàng Nhà nước vẫn căn cứ theo tín hiệu của lạm phát, kết hợp với lãi suất đồng ngoại tệ, tỷ giá để bình ổn tốt thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, ngay từ bây giờ, Ngân hàng Nhà nước đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường.

Ông Hòe cho biết thêm, những năm qua, nền kinh tế dồn áp lực lo vốn quá lớn cho ngân hàng, hệ thống luôn phải đối mặt với rủi ro, hệ số vay nợ của các doanh nghiệp khá cao. Bên cạnh đó, chỉ số tài chính của doanh nghiệp, điểm xếp hạng tín dụng đang bị giảm sút. Vì vậy, để có đủ điểm tiếp cận tín dụng hay không đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp và của các ngân hàng.

Thách thức khác mà ngành ngân hàng đang phải xử lý căn bản căn bệnh thanh khoản của hệ thống tín dụng, khi mà chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay khá lớn. Bởi nếu ngân hàng huy động 1 tháng, cho vay 6 tháng thì phải quay vòng tối thiếu 5 lần mới đủ được nguồn vốn đáp ứng cho vay ra 6 tháng. Mỗi lần như vậy, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để bù thanh khoản. Chưa kể, chi phí bù cho phần rủi ro trong môi trường đầy rủi ro nền kinh tế.

Do đó, theo ý kiến của ông Hòe: “Ở thời điểm này, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định các ngân hàng thương mại cần phải hoạch định cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi. Đặc biệt, ngân hàng thương mại cần chú trọng hơn nguồn tiền gửi trung và dài hạn để cân đối cho phần tài trợ dư nợ trung và dài hạn. Bởi nếu không thu hẹp chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay ra và huy động, vẫn để nó luôn luôn lớn thì rõ ràng thanh khoản không thể giải quyết tận gốc, ngân hàng không thể cho vay trung, dài hạn nhiều được”, ông Hòe nhấn mạnh.

Còn trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng nay 26/12, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Thống đốc điều hành cung ứng tiền hợp lý để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.

Nguyễn Hiền