1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Kỹ thuật của chính sách

Một chính sách có thể đúng về mặt chính trị, nhưng vẫn có thể chưa chắc đã đúng về mặt kỹ thuật. Chính trị của chính sách và kỹ thuật của chính sách là hai vấn đề khác nhau.

Khác nhau, nhưng lại gắn bó với nhau. Và những sai sót về mặt kỹ thuật có thể vô hiệu hóa những cố gắng tốt đẹp về mặt chính trị. Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu long cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

 

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là giữ cho giá lúa không bị sụt giảm, đảm bảo cho người nông dân có lãi ít nhất 30%. Trong tình hình hiện nay, về mặt chính trị, chính sách này là đúng đắn và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, thiết kế kỹ thuật của chính sách xem ra đang có những vấn đề nghiêm trọng.

 

Trước hết, cung cấp tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp nhà nước và ra lệnh cho các doanh nghiệp này thu mua gạo để đẩy giá gạo lên là một cách thiết kế khá giản lược và đại khái về kỹ thuật. Với cách làm này, giá gạo vẫn có thể được đẩy lên cao, nhưng người nông dân chưa chắc đã dính được gì vào đấy. Bởi vì rằng doanh nghiệp nhà nước có thể mua gạo của thương lái với giá cao, nhưng thương lái việc gì phải mua gạo của nông dân với giá cao đó(?!).    (Xem tiếp trang 3)

 

Về mặt lý thuyết, DN nhà nước có thể mua gạo trực tiếp từ nông dân. Tuy nhiên, cách làm này khó khăn, tốn kém hơn... và chưa chắc đã có lợi hơn. Chúng ta không có bằng chứng gì, nên không thể khẳng định có chuyện “đi đêm” giữa DN nhà nước với các thương lái. Nhưng cứ nghĩ mà xem, không có gì dễ dàng hơn chuyện mua giá cao và nhận lại quả ở đây. Trong bất cứ trường hợp nào, hàng ngàn tỉ đồng tiền hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đã những mũi tên được bắt đi, nhưng lại không trúng mục đích.

 

Hai là, trong một nền kinh tế thị trường, sử dụng các doanh nghiệp (cho dù là doanh nghiệp nhà nước) như công cụ để thực thi các chính sách xã hội là rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Đơn giản là vì động lực bất biến của các DN là theo đuổi lợi nhuận. Việc theo đuổi lợi nhuận và việc thực hiện các mục tiêu của chính sách có thể xung đột với nhau. Và trong đa số các trường hợp, các doanh nghiệp sẽ chạy theo lợi nhuận. Về mặt lý thuyết, cũng như trên thực tế, các chính sách xã hội cần phải được triển khai bởi các cơ quan công vụ mới hợp lý hơn và hiệu quả. Đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới.

 

Tất nhiên, không ai có thể cấm chúng ta sử dụng các DN nhà nước làm công cụ thực hiện chính sách, cũng như không ai có thể cấm chúng ta sử dụng dao để thay bào làm phẳng mặt bàn. Chỉ có điều công sức bỏ ra sẽ rất lớn. Và mặt bàn cũng chỉ phẳng ở mức vừa phải.

 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng

Lao động