1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kiến nghị sớm thành lập Ủy ban đối phó với suy giảm kinh tế

(Dân trí) - Một số đại biểu Quốc hội vốn là chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình suy giảm kinh tế đang ở mức báo động, nên việc hạ lãi suất không còn là “chiếc đũa thần”. Để cứu doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm thành lập Ủy ban đối phó với suy giảm kinh tế.

Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sáng 20/5, đại diện Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Bên hành lang nghị trường, một số đại biểu Quốc hội vốn là chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với báo giới về những trăn trở của mình trước sự suy giảm kinh tế cũng như những nhận định về báo cáo mà Chính phủ đã trình bày.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần sớm lập Ủy ban đối phó với suy giảm kinh tế


TS. Trần Hoàn Ngân (ảnh: An Hạ).
TS. Trần Hoàn Ngân (ảnh: An Hạ).

Tình hình suy giảm kinh tế hiện nay là vô cùng lo ngại khi doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động đã trở thành "đại dịch".

Các báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập đến các “điểm nghẽn” của nền kinh tế hiện nay và báo chí cũng nêu là doanh nghiệp than thở thế này, thế kia, nhưng vẫn thiếu phương án giải quyết cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp nói vay lãi suất vẫn cao trong khi ngân hàng hạ dần lãi suất, vấn đề ở đây là dàn xếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp như thế nào? Doanh nghiệp thì than là muốn vay mới rất khó vì món nợ cũ còn đó, vậy ai sẽ đứng ra dàn xếp khoản nợ này?…

Vấn đề cấp bách hiện nay là Chính phủ cần thành lập một Ủy ban mang tầm quốc gia để giải cứu doanh nghiệp. Bởi theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, 69% doanh nghiệp kinh doanh lỗ trong năm 2012. Do vậy, việc cần phải có một Ủy ban phòng chống “đại dịch” này là cần thiết.

Ngoài ra, cần giải quyết bài toán cho nông dân. Họ đang thiệt hại kép, thứ nhất là nguồn thu giảm, giá lương thực giảm trong khi các khoản chi lại tăng. Hiện tại, 67% dân số sống ở nông thôn; 47% dân số làm nông nghiệp, do đó, cứu doanh nghiệp phải song hành cứu nông thôn, nông nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch: Giảm lãi suất không còn là “chiếc đũa thần”

TS. Trần Du Lịch (ảnh: An Hạ).
TS. Trần Du Lịch (ảnh: An Hạ).

Nếu giờ này năm ngoái vấn đề gốc doanh nghiệp cần là lãi suất nhưng thời điểm này giảm lãi suất không còn là chiếc đũa thần. Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp được vay vốn với mức 8 - 9%/năm mà cũng không vay. Cái lớn nhất thời điểm này là điểm nghẽn của nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Năm ngoái, tôi gọi nợ xấu là cục máu đông nhưng bây giờ không còn vấn đề nợ xấu nữa, mà suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và niềm tin thị trường. Đó là những vấn đề làm hạn chế hấp thụ vốn.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao khơi dậy niềm tin thị trường. Muốn khơi dậy, tôi cho rằng chúng ta đừng bàn quá nhiều giải pháp mà phải tập trung thực hiện những giải pháp đã đưa ra trước đây.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Không thể ép lãi suất giảm

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Lãi suất nằm trong vấn đề tổng thể của nền kinh tế nên không thể ép xuống như mong muốn của mình. Quan trọng nhất là sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện chưa xử lý xong. Nếu xử lý được vấn đề này mới có thể hạ lãi suất xuống được.

Ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động tới nhau theo quan hệ cung cầu. Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ để thế này thì doanh nghiệp không thể vay được thì họ sẽ hạ. Nhưng cũng có vấn đề khi lãi suất của ngân hàng giảm xuống thì lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn cao, trong khi các tổ chức tín dụng lại đi mua trái phiếu Chính phủ. 90% trái phiếu là do các ngân hàng mua.

Chúng ta cần nhìn nhận việc hạ lãi suất ở tầm vĩ mô. Bằng các chính sách vĩ mô, Nhà nước khuyến khích người dân đem tiền đi đầu tư cho xã hội. Gửi tiền tiết kiệm không phải kênh duy nhất sử dụng nguồn tiền của người dân. Chúng ta đã mở ra các thị trường tài chính, khuyến khích sản xuất kinh doanh, đó là nhiều lựa chọn cho người có tiền.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm: Gánh nặng cho những tháng cuối năm

Với những kết quả đạt được trong quý I/2013 cho thấy nhiệm vụ của những tháng còn lại hết sức khó khăn để phát triển, tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của tôi, các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ thị trường kể cả giải quyết tồn kho, tăng sức mua, sắp xếp, xử lý nợ xấu, giải quyết những tồn tại của thị trường bất động sản mới chỉ dừng lại ở các giải pháp, thực tế triển khai rất chậm. Nguyên nhân là chưa có sự phối hợp chặt chẽ, ăn nhập giữa chủ trương với hành động thực tế. Cho nên đóng góp của những giải pháp này vào trong những chuyển biến, tạo nên yếu tố mới cho nền kinh tế chưa đạt yêu cầu.

Nguyễn Hiền (ghi).