1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kiến nghị dừng thành lập mới tập đoàn kinh tế Nhà nước

(Dân trí) - Tại hội nghị sơ kết mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) mới đây, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã đề xuất tạm ngừng thí điểm thành lập mới TĐKTNN để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn hiện nay.

Tính đến nay, cả nước có 12 TĐKTNN được thí điểm thành lập, trong đó có 11 TĐ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập; 1 TĐ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập, ủy quyền cho Bộ Tài chính thành lập công ty mẹ.

Trong đó, hiện 11 TĐ đang nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực DNNN. Nếu tính trong tổng số DN của toàn bộ nền kinh tế, 11 TĐ chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản; hơn 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.

Kiến nghị dừng thành lập mới tập đoàn kinh tế Nhà nước - 1
Tạm dừng thí điểm thành lập để tập trung hoàn thiện khung pháp luật (ảnh minh họa)
 
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các tập đoàn thí điểm được thành lập theo phương thức hành chính, còn mang nặng tính chủ quan nên gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty mẹ trong từng ngành, lĩnh vực, nguồn nhân lực chưa đủ trình độ...

Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và tập đoàn lại chưa chú trọng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án cũng như phát triển nhân tố nội tại trong tập đoàn.

Hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và các lợi thế khác. Tình trạng tài chính còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính.

Mặt khác, ngoài kinh doanh, các tập đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích nhưng đến nay vẫn chưa có phương thức tính toán lượng hóa chi phí để bù đắp hoặc đánh giá kết quả, tác động của các tập đoàn khi thực hiện những nhiệm vụ này do vậy đã tạo cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định, nhiều tập đoàn đã mở rộng quy mô đầu tư, tuy năng lực tài chính hạn chế thiếu vốn cho ngành chính nhưng vẫn mở rộng sang các ngành nghề rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động sản.

“Việc các TĐ dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được sẽ làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. Hơn nữa, thực tế việc đầu tư ngoài ngành của các TĐKTNN không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành SXKD chính và hệ lụy cho sự phát triển chung của TĐ”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lưu ý.

Chính vì vậy, nhằm giải quyết những bất cập trên, theo đề xuất của Bộ KHĐT, trước mắt, cần tạm dừng việc thí điểm thành lập mới TĐKTNN trong 2-3 năm tới, để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và cơ cấu tổ chức, việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước cùng với việc tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh tái cấu trúc TĐKTNN, trong đó việc tái cấu trúc thực hiện theo hướng không duy trì mô hình TĐKTNN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực; điều chỉnh, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư, giảm bới số lượng ngành nghề liên quan của các TĐKTNN để tập trung hơn nữa vào một số công đoạn, khâu then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, những công đoạn mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, góp phần tạo mạng liên kết sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị và động lực phát triển kinh tế cho các khu vực DN khác.

Tại hội nghị, đại diện nhiều TĐKTNN cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản pháp lý để tạo hành lang pháp luật cho các TĐ hoạt động theo các quy định của Luật DN. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thành lập, tổ chức hoạt động, quản lý, giám sát TĐKTNN cũng như sớm ban hành văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả hoạt động của TĐ…

LH