Kích cầu cần “nhắm” vào nông nghiệp và kinh tế cá thể

(Dân trí) - Nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang suy giảm rất nhiều nhưng không đến nổi là quá bi quan. Chính phủ đã đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp nhưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện.

Kích cầu cần “nhắm” vào nông nghiệp và kinh tế cá thể - 1

TS. Võ Hùng Dũng (bên trái).

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thanh Bé, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) và TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) chi nhánh Cần Thơ về vấn đề trên.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo kích cầu trong nước và nhiều nhóm giải pháp đi kèm nhưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện. Vậy ý kiến riêng của hai TS thì sao?

TS. Trần Thanh Bé: Mặc dù tôi không phải là chuyên gia kinh tế nhưng tôi rất cảm kích khi nhà nước đã khá là nhanh chóng đưa ra những giải pháp để chống suy giảm kinh tế.

Trong các vấn đề kích cầu đầu tư, tôi cho rằng đó chỉ là một phần trong một nhóm giải pháp, cái quan trọng là cần làm sao để kích thích sản xuất, tạo sức lan tỏa cho kích thích. Nếu như việc kích cầu là chôn tiền xuống đất rồi chỉ chỗ cho dân đào lên cũng là một giải pháp nhưng đó chỉ là ngắn hạn.

TS. Võ Hùng Dũng: Kích cầu là biện pháp đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ để làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế bao gồm giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công hoặc cả hai.

Theo tôi thì kích cầu đòi hỏi phải: Kịp thời, đúng lúc; đúng đối tượng, đúng liều lượng và kết thúc cũng phải kịp thời.  

Như vậy kích cầu cần tập trung vào những lĩnh vực nào là hiệu quả đối với nền kinh tế VN nói chung và ĐBSCL nói riêng?

TS Trần Thanh Bé: Gói kích cầu (tiền) của chúng ta thì không nhiều nên cần phải đầu tư vào lĩnh vực nào để sử dụng được nguồn lực tại chỗ (lao động và đất đai). Theo tôi là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Đây chính là lĩnh vực, ngành sản xuất đang thu hút nhiều lao động và sử dụng lao động sẵn có của mình. Hơn nữa đối tượng là người dân nông dân có mức sống, mức tiêu thụ thấp chiếm đa số. Nếu ta kích cầu vào lĩnh vực này sẽ tạo động lực lôi kéo cả xã hội.

TS. Võ Hùng Dũng: Theo tôi chúng ta đang đi vào chu kỳ của suy thoái kinh tế chứ không phải là đứng trước nguy cơ nữa.

Bởi vì các dấu hiệu về suy thoái chúng ta đã có như: nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, hàng hóa ứ đọng; nhu cầu lao động giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; sản lượng sản xuất giảm, lạm phát chậm lại hoặc giảm phát; lợi nhuận doanh nghiệp giảm, nhu cầu tín dụng giảm… Và tôi cho rằng kích cầu tập trung vào hai lĩnh vực nông nghiệp và thành phần kinh tế cá thể sẽ có hiệu quả hơn.

Các giải pháp khác đi kèm kích cầu là gì? Như TS Dũng đã nói thì tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, vậy thì chúng ta phải kích cầu như thế nào ở lĩnh vực này? Đặc biệt là trong lĩnh vực nông thôn cũng như công nghiệp?

TS. Trần Thanh Bé: Tôi nghĩ do đặc điểm của nền kinh tế VN đa phần là dựa vào nông nghiệp, nếu như chúng ta học những bài của các quốc gia khác trên thế giới thì cũng không áp dụng được.

Đầu tư cho nông nghiệp không phải là tính cái lợi từ việc phá bỏ khu vực rầy nâu, cứu vớt 1 ngàn ha lúa mà là cứu được bao nhiêu hộ dân, ảnh hưởng đến đời sống của bao nhiêu gia đình.

Như vậy chúng ta không cần những phân tích sâu, không cần những lý luận mà qua quan sát đó chúng ta cũng nhận ra được vì sao phải kích cầu đầu tư vào lĩnh vực này. 

Tôi cho rằng Nhà nước có thể dùng một phần trong gói 6 tỷ USD này để đầu tư nâng cao năng lực, khả năng tìm việc bằng cách là dạy nghề cho lực lượng thanh niên nông thôn vì trong thời gian vừa qua thì hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn là còn rất hạn chế.

TS Võ Hùng Dũng: Càng về sau tết, một số công nhân về quê và con số không trở lên để làm việc lại là rất nhiều. Tôi cho là cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là nông nghiệp phải có phát triển cao hơn để giữ được chân số lượng lao động. Khi tăng trưởng của nông nghiệp tốt thì sẽ tiếp nhận được một số lao động từ bên ngoài đổ về.

Thứ hai là cần có chính sách mở cho những hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay môi trường kinh doanh ở nông thôn gặp khó, chúng ta cần làm thế nào để khuyến khích những hộ kinh doanh đó chuyển sang thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn mở rộng hoạt động kinh doanh, thu tuyển thêm lao động. Như vậy sẽ tạm thời giải quyết được vấn đề lao động thất nghiệp.

Xin cám ơn 2 TS!

Huỳnh Hải - Kiều Hân