1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Khu công nghiệp đón sóng nhờ nhà đầu tư ngoại "chán" Trung Quốc

(Dân trí) - Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp sẽ tăng lên trong thời gian tới do việc di dời các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Khu công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Khu công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Báo cáo về thị trường bất động sản quý II, Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam đánh giá, các bất động sản là khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đang hưởng lợi nhờ làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo Cushma & Wakefield, môi trường đầu tư tại Trung Quốc trong thời gian gần đây không còn tối ưu (chi phí nhân công cao hơn là một trong các lý do). Vì vậy, dự báo số lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp sẽ tăng lên trong thời gian tới do việc di dời các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Thống kê cụ thể của C&W cho thấy, tổng nguồn cung các khu công nghiệp (IPs) tại thị trường Hà Nội trong quý II/2015 không thay đổi so với quý trước. 5 trong số 10 khu công nghiệp của Hà Nội được lấp đầy trong quý. Các khu công nghiệp còn diện tích đất cho thuê là KCN Cao Hòa Lạc, Phú Nghĩa, Nội Bài (Giai đoạn II), Quang Minh I và HANSSIP I, trong đó KCN Cao Hòa Lạc vẫn có tỷ lệ trống nhiều nhất. 

Giá thuê trung bình của các khu công nghiệp tại Hà Nội tiếp tục duy trì mức giá cao nhất so với các tỉnh/ thành phố khác thuộc phía Bắc. Hiện có khoảng 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hà Nội với các dự án tập trung vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí và điện tử. Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục dẫn đầu về đầu tư. 

Đến năm 2020, dự báo có thêm khoảng 6.100 ha từ 14 khu công nghiệp gia nhập thị trường, nâng tổng nguồn cung tương lai lên con số bằng 400% nguồn cung hiện tại. Đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ có khoảng 33 khu công nghiệp với diện tích 8.000 ha.

Trong khi đó, tại TPHCM không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động trong quý này, phần lớn các KCN có tỉ lệ lấp đầy trên 90% nhờ qua nhiều năm thành lập và vận hành. Tuy nhiên, ba KCN tại huyện Nhà Bè, Củ Chi và Bình Chánh vừa đi vào hoạt động gần đây nên tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, dưới 50%. 

Giá thuê KCN tại TPHCM cao hơn gấp hai lần so với Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Hiện nay, các chủ đầu tư có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê. 

Từ đây đến năm 2020, tổng nguồn cung ước tính sẽ tăng lên khoảng 3.000 ha, tăng 85% so với nguồn cung hiện tại. Về số lượng các KCN, 18 KCN hiện tại được mở rộng và khoảng 12 KCN mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Đa phần các dự án tương lai đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đền bù và đợi được phê duyệt.

 Phương Dung

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”