“Không thể cấm sử dụng căn hộ làm văn phòng được”

Dân trí - “Khi có quyền sở hữu nhà ở, người dân có thể tổ chức kinh doanh, cho thuê, chuyển nhượng. Bởi vậy, không thể cấm được”, luật sư Trần Đình Triển nêu quan điểm trước việc Bộ Xây dựng đưa ra yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng.

Sau khi thông tin về việc Bộ Xây dựng gửi văn bản cho một số địa phương, nơi có nhiều nhà chung cư đề nghị chấn chỉnh việc chủ sở hữu chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh… đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả gửi về Dân trí.
 
“Không thể cấm sử dụng căn hộ làm văn phòng được” - 1
Cấm sử dụng căn hộ làm văn phòng có phạm luật?

Với những người dân sống trong các toà nhà chung cư với một mục đích duy nhất là để ở, sinh hoạt thì đồng tình với quan điểm của bộ Xây dựng, bởi quy định như vậy giúp những người dân sống trong các toà nhà chung cư cảm thấy thoải mái, yên tĩnh hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ngược lại, thậm chí còn tỏ ra gay gắt với văn bản trên của bộ Xây dựng. Anh Quân, một người dân có căn hộ tại toà nhà chung cư ở Mỹ Đình cho rằng: không thể đổ lỗi cho việc vì gây ồn ào, mất trật tự của một số văn phòng đặt tại các toà nhà chung cư mà đưa ra một văn bản cấm hoàn toàn như vậy được.

“Văn phòng thì cũng có nhiều loại. Có văn phòng chỉ có 1, 2 người... Nếu sử dụng văn phòng làm ảnh hưởng tới những người dân đang sống xung quanh thì lúc đó mới cần xem xét đến việc đóng cửa”, anh Quân nói.

Theo văn bản gửi các địa phương, bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật về quản lý nhà ở chung cư không cho phép chủ sở hữu nhà ở sử dụng hoặc cho người sử dụng phần sở hữu riêng trái với mục đích quy định.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: việc cho phép mở văn phòng hay không trong các toà nhà chung cư phụ thuộc vào công năng sử dụng trong các toà nhà đó.

Nếu toà chung cư được thiết kế dành cho loại hình nhà ở thì các hạ tầng sẽ được thiết kế phù hợp với nhà ở. Nếu làm văn phòng trong các toà nhà chung cư này sẽ kéo theo sự quá tải trong việc đi lại, phòng cháy chữa cháy... ảnh hưởng trực tiếp tới các những người dân sống ở đó.

Ông Tuấn cũng thừa nhận một thực tế là hiện nay việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, nếu cấm các gia đình không cho mở công ty ngay tại nhà có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh, tài chính của các doanh nghiệp. Nhất là đối với những văn phòng có ít người, ít giao dịch bên ngoài thì cũng không hẳn sẽ ảnh hưởng tới những người dân sống trong toà chung cư.

“Nhưng dù thế nào thì, khi sống trong chung cư, anh phải chấp hành các nội quy của chung cư đó, phải chấp hành các nguyên tắc chung khi sống ở đó”, ông Tuấn đưa ra ý kiến.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, luật sư Trần Đình Triển khẳng định: Không thể cấm người dân được. Trụ sở của công ty căn cứ theo luật doanh nghiệp. Trong quyền sở hữu nhà ở, người dân có thể tổ chức kinh doanh thu lợi, quyền chuyển nhượng cho thuê... Còn việc đặt trụ sở văn phòng, công ty trong các chung cư mà làm ồn ào, gây ảnh hưởng tới những người dân sống xung quanh là hai việc hoàn toàn khác nhau.

“Nếu việc mở văn phòng gây ảnh hưởng tới những cư dân sống xung quanh và thì kể cả nhà mặt tiền, mặt phố vẫn có thể bị bắt buộc đóng cửa chứ không phải là nhà chung cư. Trong khi đó, quyền sở hữu nhà ở có quyền được mua bán, chuyển nhượng và sử dụng không trái pháp luật”, luật sư Triển nói.

Lan Hương