1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khốn đốn vì đã nộp tiền sử dụng đất vẫn bị "bêu" tên

(Dân trí) - Mặc dù đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà đất theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng, doanh nghiệp vẫn bị liệt vào danh sách 27 tổ chức tại TPHCM bị công khai vi phạm về đất đai.

Sau khi ban hành Kết luận thanh tra số 1661 về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai các vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực đất đai của gần 30 tổ chức ở địa phương này.

Theo đó, qua thanh tra đã phát hiện các vi phạm, tồn tại đối với 27 tổ chức trên địa bàn TPHCM trong lĩnh vực đất đai. Đa phần những sai phạm của doanh nghiệp là thực hiện dự án chậm, không đảm bảo đúng tiến độ, một số công trình chưa được xây dựng theo quy hoạch, công ty chưa có biên bản bàn giao đất xây dựng công trình công cộng cho Nhà nước quản lý; công viên cây xanh chưa xây dựng.

Khu phức hợp Saigon Airport Plaza tại phường 2, quận Tân Bình của Công ty CP đầu tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia chưa bàn giao hệ thống giao thông, sân bãi, cây xanh cho UBND quận Tân Bình và các cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định.
Khu phức hợp Saigon Airport Plaza tại phường 2, quận Tân Bình của Công ty CP đầu tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia chưa bàn giao hệ thống giao thông, sân bãi, cây xanh cho UBND quận Tân Bình và các cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bị Bộ Tài nguyên và Môi trường "bêu" tên vì chưa quyết toán nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo quy định; Công ty chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án và không có Biên bản bàn giao đất tại thực địa...

Trong danh sách các tổ chức bị công khai vi phạm về đất đai có những "tên tuổi" quen thuộc như Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1, quận 2, quận 8, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng, Công ty cổ phần Eden, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đức Khải, Công ty CP đầu tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia, Công ty TNHH An Tiến, Công ty TNHH MTV Sân Golf Củ Chi, Công ty TNHH bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, Công ty Cổ phần Địa ốc Phúc Yên...

Tuy nhiên, ngay sau khi danh sách này được công khai, một số doanh nghiệp cho rằng đã bị "kết án" oan.

Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành cho rằng, kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói doanh nghiệp này chưa nộp tiền sử dụng đất cho Khu dân cư tại phường Long Trường, Q.9 là không đúng.

Để chứng minh mình không sai, đơn vị phân phối sản phẩm của Điền Phúc Thành là Rio Land đã trình một số văn bản liên quan để xác nhận Điền Phúc Thành đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, tại văn bản số 6242/STC-BVG do Sở Tài chính ban hành ngày 7/8 về xác định chi phí khấu trừ vào tiền sử dụng đất của dự án khu nhà ở tại phường Long Trường, Q.9 do Công ty Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư; Thông báo nộp tiền sử dụng đất số 9764/TB-CT do Cục thuế TPHCM ban hành ngày 16/08; Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, người nộp là Công ty Điền Phúc Thành (2 lần) vào ngày 17/08 cho thấy đơn vị này đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính.

Theo các văn bản trên, có thể thấy ngày chính thức ra thông báo nộp tiền của Cục Thuế là ngày 16/8 và chỉ sau đó 1 ngày là 17/8 doanh nghiệp đã chấp hành nghĩa vụ đóng tiền. "Do thời gian này khá sát với thời điểm công bố kết luận của Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ sau đó vài ngày nên có thể thông tin chưa được cập nhật kịp thời, khiến Công ty Điền Phúc Thành bị nhắc tên trong danh sách sai phạm. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của công ty với khách hàng", đại diện Rio Land nói.

Mặc dù đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà đất theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng, doanh nghiệp vẫn bị liệt vào danh sách 27 tổ chức tại TPHCM bị công khai vi phạm về đất đai.
Mặc dù đã hoàn tất việc nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà đất theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng, doanh nghiệp vẫn bị liệt vào danh sách 27 tổ chức tại TPHCM bị công khai vi phạm về đất đai.

Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp "kêu cứu" vì bị "kết án" oan.

Cách đây tròn 1 năm, giới bất động sản TPHCM "rúng động" trước danh sách 77 dự án đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng vì cho rằng cơ quan chức năng đã... "cá mè một lứa".

Nói về sự việc này, ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Bất động sản Gia Hoà cho rằng, dự án đầy đủ các thủ tục pháp lý nên được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thế nhưng, việc có tên trong danh sách các chủ đầu tư "cắm" dự án trong ngân hàng đã khiến nhiều khách hàng lo ngại năng lực của chủ đầu tư.

"Việc chủ đầu tư được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh dự án phải là doanh nghiệp đang hoạt động tốt và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Không nên gom tất cả các doanh nghiệp có thế chấp dự án vào ngân hàng vì doanh nghiệp thế chấp dự án có nhiều loại khác nhau. Công khai cần minh bạch chứ không nên gây ngộ nhận, nhầm lẫn cho người tiêu dùng", ông Mạnh nói.

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cũng "bật" lại danh sách công bố của Sở. "Chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc dự án. Vì thế, thông tin công bố của Sở có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai", ông Lực nói.

Công Quang