1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kho dự trữ ngoại tệ Việt Nam có thể lên tới 43 tỷ USD

(Dân trí) - Quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện tương ứng khoảng 14-16 tuần nhập khẩu. Nếu tính theo số liệu Hải quan về kim ngạch nhập tháng 1/2013 thì khối lượng ngoại tệ đang dự trữ của Việt Nam có thể lên tới gần 43 tỷ USD.

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không ngừng tăng thời gian gần đây.
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không ngừng tăng thời gian gần đây.

Tại một báo cáo được công bố ngày hôm nay (1/3/2013) của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS), cơ quan này dẫn số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tới trước Tết, NHNN đã mua vào rất mạnh USD, hầu hết từ hệ thống tổ chức tín dụng. Giá USD mua vào ở mức 20.850 đồng. 

Qua đó, nâng Quỹ dự trữ ngoại hối lên khoảng 14-16 tuần nhập khẩu. Nếu tính theo số liệu tuần nhập khẩu của tháng 1/2013 do Hải quan cung cấp thì khối lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam đang ở mức từ 37,45 tỷ USD đến 42,8 tỷ USD.

Con số mới nhất về dự trữ ngoại hối của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố tháng 12 năm ngoái tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG 2012). Tại thời điểm, dự trữ ngoại hối ước khoảng 12 tuần nhập khẩu. Tính theo giá trị kim ngạch nhập khẩu thời điểm tháng 11/2012 (căn cứ con số Hải quan) thì 12 tuần nhập khẩu tương ứng với 29,85 tỷ USD.

Vậy, ứng với trị giá kim ngạch nhập khẩu từng thời điểm công bố, thì chỉ trong 2 tháng, dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng khoảng 7,6 đến gần 14 tỷ USD. Đây chỉ là con số ước tính. Tuy nhiên, với nguồn dự trữ ngoại tệ 14-16 tuần nhập khẩu, Việt Nam đã đáp ứng được mức an toàn cần thiết theo như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là từ 12-14 tuần nhập khẩu.

Chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá

Ngoài ra, trong báo cáo của UBGS lần này, cơ quan này cũng cho hay, hiện tại, trên thị trường tiền tệ, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đã bất ngờ tăng lên mức 21.036 đồng, tăng khoảng 0,8% so với tháng 1/2013. Nguyên nhân một phần do áp lực tăng giá của thị trường tự do, có lúc chạm 21.120 đồng (cao hơn giá USD trong ngân hàng khoảng 0,5%).

Theo UBGS, sự giá tăng đột biến về tỷ giá chỉ mang tính chất nhất thời do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, nhu cầu thực về ngoại tệ trong thời điểm hiện nay là không thực sự lớn. 

UBGS cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ sớm ổn định trở lại, trong bối cảnh thị trường ngoại hối vẫn đang ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực về dự trữ, xuất siêu tiếp tục đạt khá 1,68 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, thị trường tự do được kiểm soát khá chặt chẽ và chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ.

Trong khuyến nghị chính sách dành cho Chính phủ, UBGS lưu ý, việc điều hành tỷ giá hối đoái năm 2013 cần ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hướng tới hài hòa mục tiêu trung hạn là hỗ trợ xuất khẩu và cân bằng đối ngoại.

Do vậy, theo cơ quan giám sát tài chính quốc gia, chưa cần thiết và chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá khi xuất khẩu vẫn tăng khá và kiểm soát lạm phát vẫn còn không ít thách thức.

Tất nhiên, khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên thiết thực hơn thì cần thiết xem xét điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt sức ép điều chỉnh tỷ giá trong trung hạn.

Bích Diệp