1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Khách giảm, chuyến bay cũng giảm theo

Các hãng hàng không nước ngoài lẫn trong nước đều bắt đầu giảm chuyến bay vì lượng khách giảm do suy thoái kinh tế.

Khách giảm, chuyến bay cũng giảm theo - 1
Du khách nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất.
 
Từ nước ngoài

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách đến Việt Nam trong bốn tháng đầu năm theo đường hàng không có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, nếu trong hai tháng đầu năm có 598.500 khách đến, giảm 6% so với cùng kỳ, thì trong ba tháng giảm 9,8%, với 856.000 khách. Tính gộp cả bốn tháng, có hơn 1,1 triệu lượt khách đến Việt Nam bằng đường hàng không, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó số khách Việt Nam đi nước ngoài cũng đang giảm.

Một số hãng hàng không cho biết sẽ giảm hoặc chuyển hướng các chuyến bay đi và đến Việt Nam.

Trong lịch bay hè năm nay, bắt đầu từ tháng 6, hãng Hong Kong Airlines có trụ sở tại Hà Nội sẽ cắt giảm các chuyến bay từ Hà Nội đến Hồng Kông và ngược lại từ 7 chuyến/tuần xuống còn 5 chuyến/tuần.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc kinh doanh của Hong Kong Airlines, nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu từ Hà Nội đi Hồng Kông thấp hơn trước nhiều.

Trong khi đó, Zlatko Zlatic, Tổng giám đốc của hãng hàng không Đức, Lufthansa tại Việt Nam, cũng đồng ý rằng lượng khách từ châu Âu và Mỹ đến Việt Nam cũng như lượng khách Việt Nam đi nước ngoài có mức giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Hiện nay Lufthansa vẫn phục vụ 3 chuyến/tuần từ Việt Nam sang Frankfurt quá cảnh tại Bangkok với lượng khách hơn 330 khách/chuyến. Ông Zlatic nói trong kỳ hè này, công ty không cắt giảm chuyến trên tuyến này nhưng sẽ tính toán lại nếu khách tiếp tục giảm.

“Chúng tôi kết hợp ba nguồn khách Việt Nam, Thái Lan và Malaysia nên vẫn đủ số khách cho các chuyến bay. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tính toán kỹ hơn và cắt giảm các chuyến bay khác từ tháng 11. Ví dụ như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - những thị trường hiện nay không có nhiều khách”, ông Zlatic cho biết.

Singapore Airlines, Thai Airways, Thai AirAsia hay một số hãng khác cũng đã có kế hoạch cắt giảm các chuyến bay vì lý do này hay lý do khác.

Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không thuộc Cục Hàng không, hãng giá rẻ Thai AirAsia đã giảm tần suất bay trên đường bay Hà Nội-Bangkok từ 3 chuyến/ngày xuống còn 2 chuyến/ngày vì tình hình chính trị bất ổn liên tục tại nước này.

Đến trong nước

Tình hình kinh doanh của các hãng hàng không nước ngoài đã vậy, các hãng trong nước, kể cả truyền thống và giá rẻ, cũng không khả quan hơn.

Indochina Airlines, hãng hàng không giá rẻ trẻ nhất ở Việt Nam, mới đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái, đã phải cắt giảm một nửa tần suất bay chặng Hà Nội - TPHCM.

Cụ thể, hãng này đã phải cắt hợp đồng thuê một máy bay và hiện chỉ có một máy bay duy nhất với 282 ghế bay 4 chuyến/ngày trên chặng Hà Nội - TPHCM.

Riêng các tuyến Đà Nẵng - TPHCM và Hải Phòng - TPHCM thì Indochina Airlines tổ chức ghép chuyến với Vietnam Airlines. Ông Hà Dũng, Tổng giám đốc Indochina Airlines giải thích việc cắt giảm trên là để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Trong khi đó, hãng hàng không tư nhân khác ở Việt Nam là Vietjet Air, trước đây đã dự định bắt đầu khai thác các chuyến nội địa trong năm 2009, cũng đành hoãn đến cuối năm do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn.

Theo tin từ Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, trong ba tháng đầu 2009, hãng vận chuyển hơn 2,26 triệu hành khách, giảm gần 5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chỉ đạt 866.970 lượt, giảm gần 9%.

Vietnam Airlines cũng đã thông báo giảm chuyến bay trên một số tuyến quốc tế, chẳng hạn chuyến bay từ TPHCM đến Busan (Hàn Quốc) giảm từ 4 chuyến/tuần xuống còn 2 chuyến/tuần.

Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng vừa hoãn kế hoạch mở các chuyến bay đến Bangkok và Siem Reap và sẽ chuyển sang tăng số lượng chuyến bay giữa các thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ kể từ ngày 1/6.

Theo đó, trên trục đường bay giữa Hà Nội-TPHCM và ngược lại, Jetstar Pacific sẽ khai thác với tần suất 10 chuyến/ngày, trong đó sẽ có một chuyến từ Hà Nội đi TPHCM vào lúc 7 giờ sáng để đáp ứng nhu cầu đi lại sớm của hàng khách.

Các chuyến bay thường lệ giữa TPHCM - Đà Nẵng được tăng từ 3 chuyến lên 4 chuyến/ngày, và đường bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng cũng sẽ tăng lên 2 chuyến/ngày. Jetstar Pacific cũng sẽ mở tuyến Hà Nội-Cần Thơ vào đầu tháng 6.

Vẫn tin tưởng

Tuy tình hình kinh doanh khó khăn nhưng theo đại diện của một số hãng hàng không, so với các nước khác thì suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế của Việt Nam chưa nhiều.

“Đất nước của các bạn vẫn đang trên đà phát triển”, ông Zlatic của Lufthansa nói và hy vọng khủng hoảng ở Việt Nam sẽ qua nhanh, nhu cầu đi lại bằng máy bay ở Việt Nam sẽ tăng ở mức cao.

Ông Hải của Hong Kong Airlines cũng cho biết kết quả kinh doanh của công ty từ đầu năm 2009 đến nay không khả quan, nhưng sự tăng trưởng bền vững và ổn định của Việt Nam vẫn là điều hứa hẹn đối với hãng.

“Trong thời gian này, chúng tôi cố gắng tăng sản phẩm, dịch vụ và quản lý tốt các lịch bay và chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn. Về kế hoạch lâu dài, Hong Kong Airlines đang tìm kiếm các thị trường mới, là TPHCM và Đà Nẵng”, ông Hải nói.

Tuy tình hình kinh tế vẫn còn đang khó khăn, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đón nhận những tín hiệu lạc quan. Từ ngày 1/6 này, hãng hàng không Shanghai Airlines bắt đầu khai thác 3 chuyến/tuần trên đường bay Hà Nội - Thượng Hải (Trung Quốc), thêm một hãng hàng không của Mỹ là Northwest Airlines cũng sẽ khai thác chuyến bay hàng ngày từ TPHCM-San Francisco (Mỹ) quá cảnh Tokyo.

Theo Trung Châu
Thời báo Kinh tế Sài Gòn