1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khắc phục 7 vấn nạn của du lịch Việt Nam

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tại hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, sáng 6/6, tại Hà Nội, đã nêu lên 7 vấn đề đang tác động tiêu cực đến ngành du lịch.

Khắc phục 7 vấn nạn của du lịch Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, sáng 6/6. Ảnh: VGP/Từ Lương

Cụ thể là: Buông lỏng quản lý; nhiều cơ quan quản lý nhưng thiếu đầu mối chịu trách nhiệm chung; thiếu thông tin cảnh báo đến du khách; tâm lý thời vụ trong kinh doanh dịch vụ du lịch; thiếu văn minh, chèn ép và lừa đảo du khách; việc quá tải tại một số điểm du lịch; thiếu điều tiết tổng thể chung, mạnh ai, nấy làm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn nêu ví dụ khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) là điển hình có nhiều điều tiếng nhất ảnh hưởng tới ngành du lịch trong nhiều năm, nổi bật là tình trạng bắt chẹt, chèn ép, lừa đảo có tính đồng loạt trên cả khu vực. Tình trạng này không giảm mà còn có dấu hiệu phức tạp hơn song chưa thấy rõ vai trò của chính quyền sở tại.

Bên cạnh đó, ông Hồ Anh Tuấn đã liệt kê 7 địa phương thường xuyên để xảy ra tình trạng tổ chức du lịch có nhiều lộn xộn như đeo bám, chèo kéo, lừa đảo, cướp giật tài sản khách du lịch là: Hà Nội, TPHCM, Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Chỉ có 2 địa phương được Bộ VHTTDL ghi nhận chính quyền quản lý tốt, ít để xảy ra vi phạm là: Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho các bộ, ngành, địa phương về những vấn nạn của ngành du lịch hiện nay. Phó Thủ tướng lưu ý cần phải có những giải pháp quyết liệt với những bước đi phù hợp để cải thiện hình ảnh môi trường du lịch Việt Nam.

Một trong những ví dụ cho thấy hiệu quả từ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh các hành vi tiêu cực trong ngành du lịch là TP. Hà Nội đã có những giải pháp quyết liệt đối với 116 doanh nghiệp đang kinh doanh taxi trên địa bàn Thủ đô; kiểm tra điều kiện đảm bảo khi kinh doanh taxi; kiểm tra đồng hồ tính cước; áp dụng phương pháp sử dụng camera theo dõi biển số xe taxi ra vào sân bay, giám sát tài xế taxi tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Đây là một trong những bước đi quan trọng để triển khai yêu cầu kiểm soát taxi bằng cách gắn chip tại các sân bay lớn mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Hội Tin học Việt Nam và UBND TP Hà Nội và TPHCM nghiên cứu thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu để chọn khẩu hiệu mới; nhấn mạnh sự hài lòng của khách du lịch phải là ưu tiên số một đối với ngành công nghiệp không khói.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cho ý kiến về một số đề xuất cụ thể: Có thể xem xét thành lập Sở Du lịch trực thuộc UBND tỉnh, thành phố; Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2013 về thành lập cảnh sát du lịch; xây dựng chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch; xây dựng mô hình “chợ du lịch”; khuyến khích triển khai phủ sóng wifi tại các thành phố lớn; tham khảo mô hình kiểm soát xe taxi tại sân bay như TP. Hà Nội đang triển khai; xây dựng các nhà vệ sinh tại các khu du lịch và điểm dừng chân… 

Trước ngày 15/6, Bộ VHTTDL xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị nhằm chấn chỉnh an ninh, an toàn trong du lịch. 

Theo Từ Lương
Cổng TTĐT Chính phủ