Internet - Mơ ước trở thành hiện thực của ngành giáo dục

Sau hơn hai năm triển khai, với sự tâm huyết của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đến nay 100% cơ sở giáo dục Việt Nam (trừ những nơi chưa có điện lưới) đã được kết nối Internet.

Internet - Mơ ước trở thành hiện thực của ngành giáo dục - 1
Trường THPT Nội trú ở Cao Bằng
 
Đặc biệt hơn, trừ các trường Đại học, còn lại toàn bộ các trường đều được Viettel miễn phí lắp đặt và sử dụng.

Điều kỳ diệu ở một nước đang phát triển

Trong buổi lễ tổng kết chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận phấn khởi nói: "Từ nay, các cán bộ, giáo viên và học sinh sẽ có điều kiện cập nhật thông tin, các kiến thức mới nhất, tri thức và văn minh sẽ có cơ hội để đến với những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất".

Bắt đầu triển khai từ tháng 9-2008 đến cuối tháng 7-2010, Viettel đã hoàn thành 100% chương trình kết nối Internet cho 29.559 cơ sở giáo dục trên toàn quốc theo cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ước tính, hơn 25 triệu giáo viên, học sinh và sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận với Internet phục vụ trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập và tìm kiếm tài liệu, thông tin.

Trong số 29.559 trường được kết nối Internet, có 21.286 trường (chiếm 72%) sử dụng công nghệ Internet băng rộng. Hơn 9.000 điểm trường được kết nối bằng Modem Edge ở giai đoạn đầu của chương trình đã được Viettel chuyển đổi sang sử dụng thiết bị Home Gateway 3G có khả năng bắt sóng cao, băng thông rộng hơn.

Viettel cho biết tất cả cơ sở giáo dục hiện đang sử dụng thiết bị Modem Edge (2,5G) sẽ được chuyển đổi sang kết nối băng rộng theo tiến trình mở rộng vùng phủ 3G. Ngoài việc triển khai kết nối miễn phí, Viettel còn cung cấp dịch vụ Internet miễn phí.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng có thể gọi việc đưa Internet tới các cơ sở giáo dục là một kỳ tích, bởi nhiều trường học ở sâu hun hút, hoặc cheo neo giữa núi cao, nơi mà đường sá đi lại vô cùng khó khăn.

“Mới đây, đoàn của Bộ Giáo dục Cộng hòa Liên bang Nga sang thăm, biết được ngành giáo dục Việt Nam đã được phủ Internet trên toàn quốc đã tỏ rõ vẻ ngạc nhiên và thán phục, bởi chính nước Nga cũng chưa làm được điều này” - ông Quách Tuấn Ngọc tự hào nói.

Việc thực hiện chương trình nối mạng đã cải thiện đáng kể mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin- truyền thông trong ngành giáo dục. Từ nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, đến năm năm 2010 theo báo cáo của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục của các nước ASEAN (SEAMEO), Việt Nam  đã được đưa vào nhóm hàng đầu khu vực về ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông trong ngành giáo dục.

Đầu tư cho khối óc để có chỗ trong trái tim

Để làm được kỳ tích này, ít người biết rằng, ngoài chuyện tiền bạc, cán bộ, công nhân viên của Viettel đã đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Câu chuyện kết nối Internet cho tỉnh Điện Biên là một minh chứng cho quyết tâm, cách làm khác biệt của doanh nghiệp quân đội.

Tháng 3 năm 2009, khi đoàn tiền trạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên thị sát thì gần như các trường học tại Điện Biên Phủ còn trắng Internet. Vậy mà với mục tiêu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Viettel đã huy động tối đa nhân lực của mình ở 9 tỉnh thành phố phía Bắc lên tập trung ở Điện Biên, làm ngày làm đêm cho kịp kế hoạch.

Họ đã dựng được hơn 6.000 cột bê tông để kéo dây cáp. Thậm chí, để đưa được Internet đến trường tiểu học ở một xã xa trung tâm, Viettel đã phải thiết lập một đường cáp quang dài 65 km. Kết quả, đến dịp 7-5-2009, Internet cho các trường học khắp tỉnh Điện Biên đã cơ bản hoàn thành.

Với việc triển khai miễn phí mạng Internet tới các trường học, Viettel đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Và để duy trì chính sách cung cấp dịch vụ miễn phí cho các trường, mỗi năm Viettel phải bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng nữa.

Đại tá Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, lãnh đạo Viettel coi đầu tư cho ngành giáo dục là đầu tư cho tương lai. Học sinh quen với công nghệ thông tin và sẽ coi CNTT là công cụ làm việc, là cuộc sống. Mà công nghệ thông tin chính là hiện thân của nền kinh tế tri thức. Đây cũng là một cách để tháo bỏ nút thắt cổ chai của nền kinh tế từ việc thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực trình độ cao.

Đất nước và xã hội được lợi rất nhiều. Trong đó, Viettel cũng sẽ được những lợi ích dài hạn. Đưa Internet đến trường học thì khoảng 25 triệu giáo viên, học sinh sẽ biết về Viettel, từ đó gia đình họ cũng biết.

Doanh thu của Tập đoàn năm 2010 ước khoảng trên 90.000 tỷ đồng. Thay vì đầu tư hàng trăm tỷ vào các hình thức quảng cáo, Viettel chọn cách đầu tư vào giáo dục để tác động vào trái tim của cộng đồng. Cách làm này vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, vừa giúp ích cho doanh nghiệp phát triển, thể hiện lợi ích hai chiều.

Được biết, hoàn thành kết nối Internet mới chỉ là giai đoạn đầu trong chương trình hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và Viettel trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Bộ GD-ĐT  đã cùng Viettel ký kết triển khai các ứng dụng tin học trong nhà trường. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai đầu tư thiết bị, số hóa sách giáo khoa, các tài liệu đào tạo, tập huấn cho giáo viên qua mạng, thí điểm mô hình trường học điện tử, thí điểm mô hình kết nối mạng giáo dục đến điểm bản, điểm thôn cho các trường mầm non.

Quang Phương