1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Inđônêsia có thể rút khỏi OPEC

(Dân trí) - Trong khi Thái Lan đang kêu gọi thành lập hiệp hội các nước xuất khẩu gạo, giống như mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thì một thành viên của OPEC là Inđônêsia lại cân nhắc khả năng rút khỏi tổ chức này.

Đây là tuyên bố từ chính tổng thống Inđônêsia, ông Susilo Bambang Yudhoyono.

 

Sản lượng khai thác dầu mỏ từ những giếng dầu lâu năm đang sụt giảm, khiến Inđônêsia trở thành nước nhập siêu dầu mỏ khi giá dầu thô lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Chính phủ đã phải cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu trong nước nhằm tránh thâm hụt nghiêm trọng ngân khố quốc gia. Việc này đã dẫn đến một cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng tại Makassar, trên đảo Sulawesi của Inđônêsia.

 

Một số nhà phân tích cho rằng việc nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ không muốn tăng sản lượng khai thác đã giữ giá dầu thế giới ở mức cao.

 

Nhà phân tích Kurtubi cho rằng giờ đây, với tư cách là một nước nhập khẩu dầu mỏ, lợi ích và mối quan tâm của Inđônêsia mâu thuẫn với các thành viên khác của OPEC.

 

Mỗi năm, Inđônêsia phải chi hàng tỷ USD để trợ giá nhiên liệu cho người dân. Việc giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng khai thác và sản xuất dầu mỏ đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, so với mức khoảng 1,5 triệu thùng hồi giữa thập  niên 90.

 

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho biết Inđônêsia muốn giá dầu giảm xuống, vì việc giá dầu tăng cao gây sức ép đối với ngân sách quốc gia. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ lại muốn giá duy trì ở mức hợp lý, hoặc thậm chí là cao, vì đây là nguồn thu chính của họ.

 

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho biết chính phủ Inđônêsia đã bắt đầu thảo luận về việc họ có nên tiếp tục tham gia OPEC nữa hay không.

 

Rời OPEC sẽ là một quyết định khó khăn đối với Inđônêsia, nhưng có thể là cần thiết, xét trên tình hình kinh tế và chính trị hiện tại của nước này. Việc mỗi năm phải chi hàng tỷ USD để trợ giá nhiên liệu là một gánh nặng lớn đối với ngân sách, nhưng việc tăng giá nhiên liệu sẽ gây bất lợi về chính trị. Có lẽ, Inđônêsia nên chọn cách tập trung đầu tư để nâng sản lượng dầu và gas trong nước.

 

Những mốc đáng nhớ trong lịch sử OPEC:

 

·   Năm 1960: OPEC được thành lập tại thủ đô Baghdad của Iraq, với 5 thành viên là Iran, Iraq, Cô-oét, Ả-rập Saudi và Vênêzuêla

·   Năm 1965: Chuyển trụ sở từ Thụy Sỹ về Vienna (Áo)

·   Năm 1973: Giá dầu tăng cao là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

·   Năm 1990: Iraq nổi giận trước sản lượng dầu quá cao của Cô-oét, châm ngòi cho Chiến tranh vùng Vịnh

·   Năm 1998: Giá dầu thế giới giảm xuống còn 10 USD/thùng

·   Năm 2000: Các thành viên OPEC giảm sản lượng nhằm tăng giá dầu

·   2001: OPEC gây sức ép để các nước không phải là thành viên của tổ chức này cũng cắt giảm sản lượng

 

OPEC hiện có 13 thành viên, gồm: Angiêri, Ăngôla, Êcuađo, Inđônêsia, Iran, Iraq, Cô-oét, Li-bi, Nigiêria, Qatar, Ả-rập Saudi, UAE, và Vênêzuêla

 

Đặng Lê

Theo BBC