1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

IFC tăng hạn mức lên 30 triệu USD cho ngân hàng Việt Nam

Hôm nay 21/12, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới đã gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng Quốc Tế (VIB) trong chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu (Global Trade Finance Program - GTFP) lên 30 triệu USD.

Trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu GTFP, IFC đã nâng mức tài trợ cho VIB từ 5 triệu USD lên 30 triệu USD trong bối cảnh thanh khoản toàn cầu đang bị thu hẹp. Kể từ khi tham gia chương trình vào tháng 5/2011, VIB đã có thể mở rộng tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành xuất nhập khẩu chủ chốt.
 
Việc tăng hạn mức cho VIB dựa trên những đánh giá tích cực của IFC về hoạt động tài trợ thương mại của VIB từ nguồn vốn do IFC cấp. Với chất lượng các khoản vay tốt và thực hiện bảo lãnh tín dụng hiệu quả cho các doanh nghiệp, VIB là ngân hàng Việt Nam duy nhất được chấp thuận tăng hạn mức trong đợt đánh giá và xem xét tăng hạn mức của IFC lần này.
 
IFC tăng hạn mức lên 30 triệu USD cho ngân hàng Việt Nam - 1
Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của IFC và bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc VIB trong lễ công bố.

“Việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu GTFP của IFC đã giúp VIB tăng cường đáng kể năng lực bảo lãnh rủi ro thanh khoản khi tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi các nguồn tài trợ thương mại khác bị thu hẹp. Tham gia vào mạng lưới hơn 400 ngân hàng của GTFP, VIB sẽ được các ngân hàng đối tác trên toàn cầu biết đến, giúp mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường mới”, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc VIB nói.

Theo ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của IFC, phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan: ‘Việc IFC tiếp tục tài trợ thương mại cho các ngân hàng mạnh tại Việt Nam, trong đó có VIB là một ví dụ cụ thể cho thấy chúng tôi đã hợp tác hiệu quả với các ngân hàng trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất nhập khẩu và đóng góp cho sự tăng trưởng ổn định của họ, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn về thanh khoản. Qua đó cũng thể hiện rõ cam kết của chúng tôi giúp tăng cường và hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam”.
 
IFC tăng hạn mức lên 30 triệu USD cho ngân hàng Việt Nam - 2
VIB được bình chọn là ngân hàng có dịch vụ ATM và tiết kiệm tốt nhất năm 2011.

Sau 15 năm hoạt động, VIB hiện phục vụ hơn 1 triệu khách hàng, trong đó có khoảng 22.000 khách hàng doanh nghiệp. Ngày 20/10 vừa qua, ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), cổ đông chiến lược tại VIB đã chính thức tăng vốn từ 15% lên 20%, tương đương với 1.150 tỷ đồng đầu tư thêm vào VIB. Song song với việc góp vốn, hiện nay CBA có 40 chuyên gia làm việc trực tiếp vào VIB, đóng góp một nguồn nhân lực quý giá trong việc chuyển giao công nghệ quản trị quốc tế tại VIB.

Thời gian vừa qua, VIB đã dành nhiều chương trình ưu đãi lớn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm và chương trình dành thêm 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng doanh nghiệp.

Việc hợp tác với IFC không chỉ giúp tăng năng lực hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cơ hội phát triển hợp tác với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế mà thông qua chương trình, uy tín của VIB đã từng bước khẳng định và nâng cao trên thị trường tài chính quốc tế.

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam, tên viết tắt là Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) được thành lập ngày 18/9/1996. Đến tháng 9/2011, sau 15 năm hoạt động, VIB đã trở thành 1 trong 10 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 5 tỷ USD). VIB hiện có trên 4.300 cán bộ nhân viên phục vụ hơn 1 triệu khách hàng tại 160 chi nhánh và phòng giao dịch trên 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.

Nguyễn