1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hy hữu Hà Nội: Tiền tỷ mua cái cột nhà chung cư

Có những điều khó tin nhưng đang là sự thật ở Hà Nội: nhà giàu bỏ cả chục tỷ mua chung cư cao cấp nhưng lại không có đường đi, không có chỗ đỗ xe. Để sống được trong chung cư cao cấp, họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua thêm những dịch vụ mà lẽ ra đương nhiên được hưởng. Đúng là nỗi khổ không giống ai.

Chung cư phải mua lối vào

Mấy ngày nay những người dân mua căn hộ SkyCity 88 Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội) do chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex (Công ty Hanotex) xây dựng, đang sống trong tình trạng bất an bởi lối vào duy nhất có nguy cơ bị thu hẹp.

Thông báo tới cư dân, chủ đầu tư là công ty Hanotex cho rằng, hai phần ba diện tích cổng vào trước đây vốn chỉ được chủ đầu tư thuê lại của một đơn vị khác để làm lối đi tạm cho cư dân. Đến nay hợp đồng cho thuê giữa 2 bên đã hết hạn, cư dân sẽ phải hoàn trả lại phần diện tích đó.


Dân Skycity đang tranh chấp lối vào

Dân Skycity đang tranh chấp lối vào

Như vậy lối vào sẽ bị thu hẹp chỉ còn 3,5m. Với diện tích này không thể đảm bảo hai xe ô tô tránh nhau và không may có hỏa hoạn xảy ra xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận khu chung cư được.

Được biết, đây là khu chung cư cao cấp với hàng trăm căn hộ và hàng ngàn dân sinh sống. Thật khó tưởng tượng một khu chung cư cao cấp giữa Thủ đô mà lối vào chỉ là con hẻm 3,5m.

“Nếu ban đầu, chủ đầu tư nói rằng đường này chỉ cho mượn trong vòng 5 năm thì tôi chắc chắn rằng đến 90% cư dân sẽ không mua nhà tại đây hoặc không mua với giá Hanotex bán", một cư dân tại Sky City cho biết.

Ngoài ấm ức đang phải chịu là mất lối đi vào, cư dân Sky City còn mệt mỏi với cuộc đấu tranh với hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư. Năm 2011, họ đã phải xuống đường  để phản đối với việc tăng giá trông giữ xe của chủ đầu tư.

Tiền tỷ mua chỗ để xe 10m2

Chỗ đỗ xe cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi ở các chung cư cao cấp. Tại một số khu chung cư, người dân phải bỏ ra vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng để mua chỗ đỗ xe ô tô vẻn vẹn vài m2. Trong khi đó, trước đây người dân mua căn hộ chung cư đương nhiên có chỗ để ô tô và xe máy…


Cột nhà bị tính vào chi phí giá thành căn hộ

Cột nhà bị tính vào chi phí giá thành căn hộ

Điển hình như tại chung cư Goden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), để sở hữu một chỗ để ô tô chưa đến 10 m2 trong vòng 38 năm, người dân phải bỏ ra số tiền khoảng 800 triệu đồng. Cư dân tại đây vẫn phải cắn răng mua chỗ để ô tô vỏn vẹn chưa đến 10 m2, nhưng lại được bán với mức giá gần bằng cả một căn hộ bình dân và hơn cả giá trị của những chiếc xe giá rẻ.

“Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, nếu không mua cũng không biết để xe ở đâu. Không lẽ hàng ngày bắt taxi ra bãi gửi xe ở nơi khác để lấy xe”, cư dân cho hay.

Một cư dân sống tại chung cư điện lực Hei Tower, số 1 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, từ hồi năm 2013, chủ đầu tư khu chung cư của chị đã rao bán các chỗ để xe với giá lên tới vài trăm triệu đồng. Để có được một chỗ để xe vị trí trung bình phải bỏ ra số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng cho một diện tích chưa đến 10 m2.

Bỏ tiền tỷ mua cột trong nhà

Nhiều hộ dân ở chung cư cao cấp Keangnam cho rằng, với giá chung cư cực đắt khi mua cho mỗi căn hộ trên 100m2, số tiền họ chịu thiệt khi phải trả cho... cột và tường. Sau khi đo đạc xong, khách hàng phát hiện ra diện tích của toàn bộ các cột bê tông chịu lực  và các hộp kỹ thuật thuộc phần sở hữu chung của cư dân đều được Keangnam tính nằm trong diện tích riêng của căn hộ.

Trung bình mỗi căn hộ đã phải trả tiền cho khoảng 15% diện tích là phần thuộc sở hữu chung, từ đó dẫn đến căn hộ hình thành trên thực tế thiếu diện tích so với hợp đồng.


Cột nhà bị tính vào chi phí giá thành căn hộ

Cột nhà bị tính vào chi phí giá thành căn hộ

Ví dụ, theo cách đo quy định trong hợp đồng, diện tích theo hợp đồng là 126,02 m2 nhưng khi đo thực tế sau khi nhận nhà chỉ có 123,7 m2 và trong đó đã bao gồm cả diện tích các cột chịu lực và hộp kỹ thuật, tường chung thuộc phần sở hữu chung là 13,0 m2.

Tương tự, căn hộ có diện tích 206,95 m2, nhưng diện tích đo thực tế sau khi nhận nhà chỉ có 197,6 m2, trong đó đã bao gồm phần diện tích sở hữu chung là các cột chịu lực và hộp kỹ thuật lên tới 16 m2. Diện tích thực tế sử dụng của căn hộ chỉ còn vẻn vẹn 181 m2, tính ra thiếu đến gần 26m2.

Phần diện tích chung đang tranh chấp này lên tới 10 - 20 m2 mỗi căn hộ, tính ra cũng vào khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, một số tiền rất lớn. Do đó, khách hàng có lý khi cho rằng, sao họ phải bỏ tiền tỷ ra để ngắm mấy cái cột, hộp kỹ thuật.

Những vụ việc trên đã khiến cư dân không ít dự án phải đau đầu, cực chẳng đã họ buộc phải lôi nhau ra tòa. Đúng là mua được căn hộ để an cư nhưng những người giàu chẳng sướng chút nào.

Theo D.Anh
VietnamNet

Hy hữu Hà Nội: Tiền tỷ mua cái cột nhà chung cư - 4