1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hụt thu ngân sách do dầu thô giảm đã có... doanh nghiệp "đỡ"?

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, khi giá dầu thô giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trung ương, song khoản hụt thu này sẽ được chuyển dịch sang ngân sách địa phương nhờ doanh nghiệp làm ăn có lãi gia tăng mạnh.

Nhiều lãnh đạo thuế thờ ơ với doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2016 diễn ra sáng nay (26/2/2016), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 có một số thuận lợi, đó là điều kiện tăng trưởng kinh tế 6,68%, chỉ số lạm phát chỉ 0,63% (lạm phát cơ bản hơn 2%).

Tuy nhiên, đối với ngân sách trung ương (NSTW) lại gặp khó khăn rất lớn do giá dầu thô giảm mạnh. Dự toán ngân sách là 60 USD/thùng nhưng thực hiện chỉ đạt 54 USD/thùng. Giá dầu thô và giá khí giảm đã tác động trực tiếp đến thu NSTW trên 63.000 tỉ đồng (bao gồm cả thu nội địa và thu xuất nhập khẩu).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: "nếu tình trạng này cứ diễn ra thì ngân sách trung ương sẽ chuyển dịch số hụt thu này sang ngân sách địa phương chứ không đi đâu mất cả!". Theo đó, giá thành giảm, sản xuất tăng lên thì giúp tăng thu khoảng 50.000 tỉ đồng. Ngân sách địa phương tăng thu 50.000 - 60.000 tỉ đồng, nhưng ngân sách trung ương sẽ bị âm tương ứng.

Mặt khác, việc giá dầu giảm cũng có tác động tích cực đối với đầu vào của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phần thu thuế nội địa tăng cao, góp phần quan trọng vào việc vượt dự toán ngân sách nhà nước mà ở đây là vượt dự toán ngân sách của các địa phương trên 75.000 tỉ đồng.

Vì vậy, để cân đối nguồn thu ngân sách, một trong những giải pháp quan trọng đặt ra vẫn phải là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sản xuất kinh doanh càng phát triển thì số thu ngân sách càng lớn, qua đó bù đắp được hụt thu trung ương. Thứ hai là xử lý nợ đọng (khoản nợ đọng phải xử lý còn 70.000 tỉ đồng, trong đó phần bất khả kháng phải xử lý trên dưới 25.000 tỉ đồng). Thứ ba là thanh tra, kiểm tra, tập trung vào chống chuyển giá, nhóm thương mại điện tử, nhóm chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng vốn và các khoản có rủi ro cao...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng phê bình nhiều lãnh đạo chưa chú trọng đến công tác đối thoại với doanh nghiệp. "Năm vừa rồi đi các địa phương, 60% các ông thủ trưởng chẳng quan tâm đến công tác này. Đối thoại và đi kèm với đó là phải xử lý, giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp" - Thứ trưởng Tuấn nhắc nhở.

Ông Tuấn cũng đồng tình với kiến nghị của một số lãnh đạo cục thuế là phải trao cơ hội tái sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa cần có cơ chế xoá nợ thuế chứ không chỉ là "treo" nợ thuế khiến khoản nợ này đeo bám doanh nghiệp mãi nhưng lại không giải quyết được như hiện tại .

Hụt thu ngân sách do dầu thô giảm đã có... doanh nghiệp "đỡ"? - 2

Nợ thuế còn gần 70.000 tỉ đồng

Về kết quả thực hiện trong năm 2015, tại báo cáo tổng kết, Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2015 cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được 79.297 doanh nghiệp, qua đó tăng thu hơn 12.350 tỷ đồng; tổng số giảm lỗ là hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014; số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 74%.

Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2015 cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 4.751 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 10.050,17 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 1.062,74 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 302,91 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng đã tăng cường phối hợp với cơ quan công an, đã chuyển cơ quan công an 2.280 hồ sơ, cơ quan Công an đã xử lý hình sự 27 vụ (trong đó khởi tố 23 đối tượng và bắt giữ 31 bị can). Số vụ cơ quan công an chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính là 638 vụ. Tổng số tiền cơ quan thuế và cơ quan công an đã xử lý thu hồi vào NSNN là 16,89 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong suốt năm 2015, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đặc biệt, đã thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, toàn ngành đã thu được 39.102 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 27,1% so với cùng kỳ, bằng 102,9% chỉ tiêu thu nợ. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 31/12/2015 là 69.963 tỷ đồng, giảm 11,1% so với thời điểm 31/12/2014.

Có 22 địa phương có số nợ thuế giảm so với năm 2014, trong đó có: Sóc Trăng (giảm 83%), Lào Cai (giảm 49,9%), Hoà Bình (giảm 43,6%), Cần Thơ (giảm 39%), Kiên Giang (giảm 32,5%), Bến Tre (giảm 32,3%), Đà Nẵng (giảm 25%), Phú Thọ (giảm 23%), Thái Nguyên (giảm 15,4%), Bắc Ninh (giảm 15%)...

Có 10 địa phương có số nợ thuế tăng cao so với năm 2014 (trên 30%). Có 7 địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% đến 30%. Còn lại có 10 địa phương có số nợ thuế tăng trên 10% đến 20% và 14 địa phương có số nợ thuế tăng đến 10%.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thu năm 2015 do cơ quan thuế quản lý đạt 806.378 tỷ đồng, bằng 110,2% dự toán (tương ứng vượt 74.778 tỷ đồng), bằng 117,7% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 67.510 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán (tương ứng hụt 25.490 tỷ đồng), bằng 110,7% so với số báo cáo Quốc hội (tương ứng tăng 6.510 tỷ đồng), bằng 67,6% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 738.868 tỷ đồng, bằng 115,7% dự toán (tương ứng vượt 100.268 tỷ đồng), tăng 26,2% so với thực hiện năm 2014.

Bích Diệp

Hụt thu ngân sách do dầu thô giảm đã có... doanh nghiệp "đỡ"? - 3