1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Hưởng lợi ngàn tỷ, ngân hàng vẫn kêu lỗ vì ATM

Trong khi các ngân hàng cho rằng dù có thu phí thì họ vẫn bị lỗ nặng với ATM thì nhiều ý kiến cho rằng, với số thu hàng ngàn tỷ thì không thể lỗ.

Rút tiền của mình, mất đủ thứ phí

 

Từ ngày 1/3, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM). Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

 

Nhiều ý kiến cho rằng lại thêm một lần nữa khách hàng phải chịu phí chồng phí nhưng với các ngân hàng hình như họ vẫn chưa thấy thoả mãn mặc cho chất lượng phục vụ không đáp ứng được yêu cầu.

 

Theo thống kê hiện khách hàng sử dụng thẻ ATM đang phải chịu 1 loạt loại phí, gồm phí mở thẻ, phí quản lý tài khoản, phí truy vấn số dư, phí chuyển khoản, phí rút tiền ngoại mạng, nay lại thêm phí rút tiền nội mạng.

 

Cộng lại số phí này lên tới cả trăm ngàn đồng/thẻ mỗi năm. Vậy nhưng các ngân hàng vẫn cho rằng kinh doanh dịch vụ thẻ thua lỗ.

 

Cụ thể, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, nếu tính tổng chi phí cho ATM của các ngân hàng trong Hội thẻ Việt Nam trên tổng số giao dịch thì trung bình mỗi một giao dịch mất từ 7.000 - 9.000 đồng/thẻ. Nếu thu phí trong năm 2013 là 1.000 đồng thì vẫn phải bù lỗ ít nhất là 6.000 đồng.

 

Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng thì cho biết, trung bình chi phí cho một máy ATM bao gồm hạ tầng, bảo dưỡng, vận hành ngốn của ngân hàng khoảng chừng 100 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu miễn phí, các ngân hàng sẽ lỗ nặng.

 

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng thì việc ngân hàng kêu lỗ là vô căn cứ. Cụ thể, chi phí mua máy ATM hiện nay tính ở mức 300.000 triệu đồng/ máy. Với 14.000 cây ATM hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.200 tỉ đồng, nhưng với số thẻ hiện nay là 54 triệu, chỉ tính riêng phí mở thẻ từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc thì số tiền thu về đã rất lớn. Nếu tính mức bình quân chi phí mở thẻ là 75.000 đồng/thẻ thì số tiền thu về cũng đã đạt 3.950 tỷ đồng, gần như đã bù đủ cho số tiền mua máy.
 
Hưởng lợi ngàn tỷ, ngân hàng vẫn kêu lỗ vì ATM

 

Không những thế, các máy ATM này hàng năm vẫn phải tính khấu hao vào trong chi phí hoạt động, vì vậy trong số 100 triệu mỗi năm đã bao gồm cả chi phí khấu hao máy.

 

Để bù đắp vào chi phí hoạt động, các ngân hàng đã thu phí quản lý tài khoản 3.300 đồng/tháng mà các khách hàng Việt Nam phần lớn mở tài khoản ra để nhận lương và lại phải làm thẻ để rút tiền qua ATM, nên cũng có thể coi đó là phí liên quan đến thẻ.

 

Với 54 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được trên 1.700 tỉ đồng. Đem chia đều cho các máy ATM thì mỗi máy thu được trên 120 triệu đồng/năm, hoàn toàn bù đắp đủ chi phí hoạt động. Đấy còn chưa kể nhiều ngân hàng đã thu phí truy vấn, phí chuyển tiền, phí rút tiền ngoại mạng...

 

Ngân hàng lợi nhiều đường

 

Tiếp đến, theo quy định, người dùng thẻ bị giữ lại 50.000 đồng trong tài khoản, nhưng rất ít người để trong tài khoản 50.000 đồng mà thường cao hơn. Như vậy số tiền để trong tài khoản thấp nhất cũng là 2.700 tỷ đồng, giúp các ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản mà không mất chi phí. Nếu không có số tiền này thì ngân hàng sẽ phải tìm nguồn khác bù đắp và chắc chắn phải chịu lãi suất, chi phí vốn...

 

Cho dù ngân hàng kêu rằng do thói quen chi tiêu nên ở Việt Nam 75-80% khách hàng chỉ dùng ATM để rút tiền, nên phải để một lượng tiền mặt lớn, không sinh lời tại két tiền ATM và dự trữ một lượng tiền "chết" nữa để phục vụ thường xuyên cho công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM.

 

Vì vậy, số dư từ các tài khoản còn lại không nhiều để ngân hàng có thể cho vay lấy lãi. Nhưng giám đốc một ngân hàng lại cho biết, không phải tất cả tiền lương đều bị rút sạch sau khi chủ DN chi trả.

 

Nghiên cứu từ chính ngân hàng của mình, ông thấy rằng chỉ một bộ phận người có thu nhập thấp sau khi nhận lương mới phải rút ngay tiền ra để chi xài, nhưng cũng có quá trình. Ví dụ DN trả lương ngày 25 thì phải đến ngày 30 người lao động mới rút hết. Trong 5 ngày này, chỉ cần tính bình quân mỗi thẻ giữ 2 triệu đồng, với 54 triệu thẻ thì cũng có trên 100 nghìn tỷ tiền dư từ thẻ.

 

Số đó ai sẽ được sử dụng mà không phải trả lãi suất tối thiểu như thanh toán qua đêm hay lãi suất liên ngân hàng? Đáp án duy nhất: Ngân hàng.

 

Các ngân hàng lớn có nhiều khách hàng sử dụng thẻ và nhiều khách hàng lớn với số dư lớn thì đương nhiên sẽ được hưởng lợi lớn.

 

Như vậy, có thể nói kinh doanh dịch vụ thẻ, ngân hàng không thua lỗ. Nay nếu thu phí rút tiền nội mạng 1.000 đồng/lần thì với 54 triệu thẻ hiện nay tạm tính mỗi tài khoản rút 3 lần/tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là 160 tỷ đồng/tháng, chia đều cho 14.000 máy ATM thì mỗi tháng mỗi máy thu về trên 11 triệu đồng và cả năm là trên 130 triệu đồng. Vậy mà sang các năm sau phí rút tiền lại tiếp tục tăng lên 2.000 đồng/lần rồi tới 3.000 đồng/lần thì quả thật kinh doanh ATM đạt lãi "khủng".

 

Theo tính toán dựa trên thu nhập đầu người giữa Việt Nam và châu Âu, có thể thấy các ngân hàng Việt Nam thu phí thẻ cao gấp nhiều lần, trong khi chất lượng phục vụ lại kém hơn.

 

Tại Việt Nam, vào những ngày lễ, Tết thì năng lực phục vụ của các cây ATM luôn quá tải, nhiều người phải mất cả ngày mới rút được tiền, không những thế nhiều máy ATM vào giờ cao điểm hàng ngày cũng luôn lâm vào tình trạng hết tiền hoặc báo lỗi khiến khách hàng rất khổ sở trong việc đi rút tiền.

 

Có thể nói chất lượng phục vụ của dịch vụ thẻ tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu vậy nhưng phí thì ngày càng nhiều và càng tăng là hết sức phi lý và khách hàng đang phải hứng chịu rất nhiều thiệt thòi.

 

Theo Trần Thủy

VEF