1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

HSBC: Kinh tế Việt Nam năm 2013 tươi sáng hơn

(Dân trí) - “Xét về mặt vĩ mô, năm 2013 nhiều khả năng sẽ là một năm tươi sáng hơn so với năm 2012 trong bối cảnh nhu cầu nội địa, quốc tế đang cải thiện chậm và những nỗ lực cải tổ gần đây của Việt Nam đã có những kết quả ban đầu”, HSBC nhận định.

HSBC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 13%.
HSBC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 13%.
 
Sáng nay 3/1, Ngân hàng HSBC công bố bản báo cáo có tựa đề Kinh tế vĩ mô Việt Nam - Triển vọng thị trường Việt Nam. Bản báo cáo cho rằng, xét về mặt vĩ mô, năm 2013 nhiều khả năng sẽ là một năm tươi sáng hơn so với năm 2012 trong bối cảnh nhu cầu nội địa, quốc tế đang cải thiện chậm và những nỗ lực cải tổ gần đây của Việt Nam đã có những kết quả ban đầu.

Về mặt chi tiêu, nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ cải thiện. Xuất khẩu năm 2012 vẫn còn tăng mạnh ở mức 18,3% dù chậm hơn so với mức 34,2% của năm 2011. Đa phần sự sụt giảm đáng kể là ở các mặt hàng dệt may, quần áo và giày dép do nhu cầu ở thị trường thuộc Khối đồng tiền chung châu Âu kém hơn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ đang tiếp tục tăng trưởng dù tăng chậm hơn, chỉ đạt 6,4% trong năm 2012 so với mức 8,2% trong năm 2011. Sự tăng trưởng này, theo đánh giá của HSBC, bắt nguồn từ dân số Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ và thu nhập đang được cải thiện - vốn là điều kiện cần có để phát triển một số lĩnh vực dịch vụ như tài chính, vận chuyển, sức khoẻ, giáo dục và sửa chữa điện tử…

Ngoài ra, theo báo cáo của HSBC, hiện nay các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nhu cầu. Vì vậy, triển vọng thị trường đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm nay là tích cực. Lĩnh vực sản xuất cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ nhu cầu trong nước vững lên cùng với tốc độ lạm phát được kiềm chế.

Trong khi đó, nhận xét về bất động sản, nhóm nghiên cứu HSBC lại tỏ ra thận trọng bởi việc kích cầu bằng việc cho vay trong lĩnh vực này sẽ kéo theo vấn đề giải quyết nợ xấu, thậm chí làm cho lạm phát tăng lên. Và theo HSBC, khi các ngân hàng cẩn trọng hơn và ưu tiên tín dụng có chất lượng thì bất kỳ việc cho vay mới nào cũng sẽ phụ thuộc vào hồ sơ tín dụng uy tín của người đi vay.

Chính vì vậy, “chúng tôi không dự báo sẽ có sự đột phá lớn về tăng trưởng tín dụng trong năm 2013. Ngân hàng Nhà nước dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12% trong năm 2013 từ mức 6,4% trong năm 2012, gần với mức dự đoán của chúng tôi là 13%. Nếu tính cả lạm phát, tín dụng thực tế sẽ chỉ đóng góp rất nhỏ vào tăng trưởng”, HSCB nói.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 2013, HSBC cho rằng: Mặc dù tăng trưởng chậm (GDP cả năm tăng 5,03%) thì có 5 yếu tố phát triển chính được đánh giá là tích cực trong năm 2012 đóng vai trò nền tảng cho tăng trưởng bền vững hơn. Đó là: Cán cân thương mại thặng dư nhờ vào tăng trưởng nhập khẩu yếu đi và xuất khẩu tăng mạnh; Lạm phát chậm lại còn 6,8% trong tháng 12/2012 so với mức 17,8% trong tháng 1.2012; Thâm hụt ngân sách đã được thu hẹp khiến các khoản nợ của Việt Nam được hạ thấp; Dự trữ ngoại tệ tăng đáng kế; Dòng vốn FDI từ Nhật tăng mạnh - một dấu hiệu lạc quan cho quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của HSBC, Việt Nam có thể làm được nhiều hơn để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình phát triển. Với những chính sách tài khóa kiềm hãm, cần có thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài để phục hồi đầu tư trong nước vốn đang uể oải. Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần nâng cao môi trường kinh doanh, đa phần là loại bỏ quan liêu và tạo ra một mội trường luật pháp rõ ràng hơn để giải quyết vấn đề nợ khó trả.

“Không thực hiện được điều này, các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường Việt Nam chỉ để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ hơn là tận dụng thế mạnh thị trường nội địa năng động. Điều này chỉ rõ trong việc sụt giảm nguồn vốn đăng ký FDI (ngoại trừ Nhật Bản) khi họ đang có những thị trường khác hấp dẫn hơn như Indonesia và Thái Lan để đến đầu tư. Chính vì vậy, để Việt Nam thực hiện được những tham vọng của mình, cải tổ cần phải được thực hiện không chỉ để loại bỏ nợ xấu mà còn để cải thiện hiệu quả của nền kinh tế”, HSBC gợi ý.

Nguyễn Hiền