1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hàng loạt tài xế "đình công", phản đối chính sách mới của hãng Grab

(Dân trí) - Nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ đã “đình công” và tập trung phản đối hãng Grab vì tăng chiết khấu. Tuy nhiên, hãng Grab cho rằng, đây không phải là tăng chiết khấu mà chỉ là phần thuế thu hộ cho Nhà nước.

Ngày 10/1, nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ Grabbike tại TPHCM đã tập trung tại nhiều điểm rồi kéo về trụ sở của hãng Grab trên đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 để phản đối.

Tài xế Dương Thành Lực cho biết, anh cùng các đồng nghiệp phản đối việc mức chiết khấu của Grab tăng từ 20% lên 23,6% và hãng này cũng thu thuế đối với những tài xế có thu nhập từ 8,3 triệu đồng/tháng trở lên.

“Giá xăng thì vừa tăng mạnh, tài xế đổ 50.000 đồng tiền xăng chạy không được mấy cuốc, lại còn tiền điện thoại, tiền mạng internet di động, tiền thay nhớt... Với mức chiết khấu 20% trước đây đã không đủ sống, nay lại còn tăng thì sao chúng tôi chịu nổi”, anh Lực nói.

Rất đông tài xế tại TPHCM đình công trong ngày 10/1
Rất đông tài xế tại TPHCM đình công trong ngày 10/1

Theo đại diện của hãng Grab, việc tăng 3,6% là phần thuế thu nhập cá nhân Grab thu hộ và đóng hộ cho đối tác theo yêu cầu của ngành thuế. Đó không phải là tăng chiết khấu.

Trong 2 năm qua, Grab đã hỗ trợ đối tác bằng việc sử dụng ngân sách công ty để đóng dùm khoản này.

“Nếu tài xế có mức doanh thu và khoản hỗ trợ đạt mức 8,3 triệu đồng/tháng, Grab sẽ tiến hành thu và nộp ngân sách Nhà nước. Còn ngược lại, nếu tài xế chưa đạt doanh thu 8,3 triệu đồng/tháng thì tài xế sẽ được hoàn trả lại số tiền thuế đã tạm thu vào ngày mùng 10 của tháng tiếp theo”, đại diện hãng Grab nói.

Từ ngày 1/1/2018 , Grab Việt Nam sẽ thay mặt đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu.

Cụ thể, Grab Việt Nam sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được, tương đương khoảng 3,6%.

Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1%. Với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, Grab sẽ khấu trừ thuế TNCN 10%.

Trong năm 2016 và 2017, để hỗ trợ cho các đối tác tài xế môtô 2 bánh, Grab Việt Nam đã dùng ngân sách công ty để nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác.

Việc thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế từ ngày 1/1/2018 được thực hiện đúng theo công văn số 1531/TCTTNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/04/2017 về việc Chính sách thuế TNCN đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress, công văn 5729/CT-TTHT Cục Thuế TPHCM ngày 19/6/2017 về việc hướng dẫn nộp thuế TNCN. Đây không phải là chính sách từ Grab Việt Nam nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác.

Hàng loạt tài xế đình công, phản đối chính sách mới của hãng Grab
Hàng loạt tài xế "đình công", phản đối chính sách mới của hãng Grab

“Chúng tôi khẳng định, việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác GrabBike và GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100 triệu đồng/năm. Nghĩa vụ thuế này sẽ được Grab Việt Nam thu hộ và nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật” đại diện của Grab nói.

Tuy nhiên, nhiều tài xế cho rằng, để có doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm thì họ phải bỏ ra rất nhiều chi phí như xăng, tiền điện thoại, thay nhớt, hao mòn xe…nên Grab cần tính toán lại, bởi cước phí không tăng.

Trước đây, vào giữa tháng 8/2017, Grab nâng mức chiết khấu GrabBike từ 15% lên 20%. Ngay sau đó, hàng loạt tài xế tại Hà Nội và TPHCM kêu gọi đình công. Cách thức được đưa ra là tắt ứng dụng và book cuốc ảo.

Đại Việt – Công Quang

Hàng loạt tài xế "đình công", phản đối chính sách mới của hãng Grab - 3