1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Constrexim Holdings

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận thanh tra tại Tổng công ty Constrexim Holdings, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong giai đoạn 2006 - 2011.

 
Hàng loạt sai phạm nghiệm trọng tại Constrexim Holdings
Nhiều sai phạm diễn ra tại Tổng công ty Constrexim Holdings. Ảnh: Một dự án của Constrexim Holdings
 
Xây tầng vượt phép
 
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng tại dự án xây dựng nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội có diện tích 58.277m2,  trong đó có 10.672m2 đất để xây chung cư cao tầng. Theo quy hoạch kiến trúc được Sở QHKT Hà Nội duyệt tòa nhà CT4 cao 12 tầng và tòa CT5 cao 7 tầng, và được chấp thuận hợp 2 tòa này thành 1 khối CT4-5. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý nâng tòa CT5 từ 7 tầng lên 12 tầng khi chưa có sự phê duyệt của UBND Thành phố Hà Nội.

Đối với khu đất nhà vườn tại dự án này cũng có nhiều sai phạm, có 24 căn nhà thấp tầng được duyệt cao 3,5 tầng nhưng qua kiểm tra thì có 21 căn xây cao 4 tầng, 2 căn xây cao 5 tầng và 1 căn cao 5,5 tầng, lô đất số 12 và 24 cũng bị lấn chiếm 144m2 để xây cổng rào và 1 nhà cấp 4.

Thanh tra cho rằng chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý để một số hộ dân xây vượt tầng. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư, và đề nghị Thành phố xử lý vi phạm.

Ngoài ra chủ đầu tư còn tự ý chuyển đổi công năng của tầng 5 và 6 tòa nhà HH1 từ văn phòng sang 16 căn hộ mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
 
Về diện tích nhà chung cư đã bán, Constrexim (CTX) phải bán theo chính sách thành phố 13.677,4 m2 sàn nhưng CTX mới bán 7.525 m2 còn thiếu 6.152,4 m2 theo quy định. Trong khi toàn bộ căn hộ CT3 và CT6 CTX đã đưa vào mục đính kinh doanh, không bán theo chính sách của Hà Nội, mặc dù được ưu đãi tiền sử dụng đất.

Tòa nhà văn phòng Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), tổ công tác phát hiện chủ đầu tư không lập dự án đầu tư, không thẩm định dự án trước khi phê duyệt, vi phạm quy định của Thủ tướng đối với các công trình nhóm A.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng không phê duyệt nhiệm vụ thiết kế của gói thầu thiết kế, trong khi bản vẽ thi công không được chủ đầu tư ký xác nhận và đóng dấu trước khi đưa ra thi công. Đặc biệt, năng lực ban quản lý dự án này cũng “có vấn đề” khi cả 4 cán bộ tham gia ban quản lý dự án đều không có chứng nhận về nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại nghị định 12/2009 của Chính phủ.

Lỗ nặng vì đầu tư vào các công ty "bết bát"

Về việc CTCP Đúc Tân Long Constrexim nơi Constrexim nắm giữ 27,71% vốn điều lệ tương đương 18,4 tỷ đồng, mất gần 20 tỷ đồng vốn nhà nước: Theo báo cáo của người đại diện vốn của Contrexim thì từ 2008-2011, Công ty này lỗ lũy kế hơn 47,4 tỷ đồng do đầu tư vào nhà máy Gang Cầu quá lớn, dẫn đến mất vốn chủ sở hữu từ hơn 66,5 tỷ còn hơn 19 tỷ.

Theo đoàn thanh tra, Công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mà hàng năm không có kiểm toán, không có Ban kiểm soát là vi phạm Luật doanh nghiệp. Việc lỗ lũy kế hơn 47,4 tỷ đồng đã dẫn đến làm thâm hụt vốn của Constrexim hơn 13 tỷ. Thanh tra yêu cầu HĐQT Constrexim cần làm rõ nguyên nhân thâm hụt vốn, nếu phát hiện vi phạm pháp luật hình sự báo cáo Thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Cũng tương tự trường hợp trên tại Công ty Constrexim Bình Định mà Constrexim nắm 26,72% vốn điều lệ tương đương 8.129.420.000 đồng. Theo báo cáo kiểm toán hoạt động kinh doanh của Constrexim Bình Định năm 2009, 2010 lỗ lũy kế hơn 81,8 tỷ đồng dẫn đến mất vốn toàn bộ Công ty, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 50 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra cho rằng, việc không báo cáo trung thực của Ban lãnh đạo công ty, nới lỏng quản lý của HĐQT, của Ban kiểm soát, người đại diện vốn của Constrexim là nguyên nhân làm thâm hụt toàn bộ vốn điều lệ.

Bộ Xây dựng yêu cầu Constrexim cần được làm rõ nguyên nhân, nếu phạt hiện vi phạm pháp luật hình sự phải báo cáo Thanh tra và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.
 
Thông Chí