1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng giả hại người, phá hoại kinh tế

(Dân trí) - Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: “Hàng giả đã len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội, nó đã là trở thành 1 vấn nạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và người tiêu dùng”.

Ngày 29/11 được Chính phủ chọn làm ngày Phòng chống hàng nhái, hàng gi
Ngày 29/11 được Chính phủ chọn làm ngày Phòng chống hàng nhái, hàng gi

Hàng giả đang phá hoại nền kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng

Tại Hội nghị kỷ niệm Ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả do Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) tổ chức ở TPHCM ngày 29/11, các đại biểu tham gia phát biểu tham luận đều đồng tình với ý kiến trên của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và đề nghị lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng chống, hàng giả, hàng nhái.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Vatap cho biết: “Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuê, kiểu dáng công nghiệp… diễn ra rất phức tạp. Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Họ sang nước ngoài đặt chỉ trong vòng 1 tuần là có hàng trăm ngàn sản phẩm nhái đem về bán. Thậm chí đến thuốc ngừa thai cũng bị làm giả. Có doanh nghiệp than phiền là hàng hóa của họ chỉ mới ra thị trường trong 1 tháng là có ngay hàng giả”.

Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận là dù cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiểm soát rất nhiều, bắt và xử lý hàng ngàn vụ việc mỗi năm nhưng vấn nạn hàng giả vẫn chưa có dấu hiệu bị ngăn chặn. Ông thừa nhận hiện hàng giả bày bán hầu như công khai tại các chợ, không chỉ ở các chợ vùng quê nhỏ lẻ mà nó còn ngang nhiên bày bán công khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại…

Đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì phản ánh tình trạng gà nhập lậu tràn lan đang gây nguy cơ đè bẹp ngành chăn nuôi Việt Nam, lây truyền dịch bệnh cho gia cầm trong nước. Vị này cho biết bình quân mỗi năm có 70.000 – 100.000 tấn gà thải loại từ Trung Quốc được đưa về Việt Nam tiêu thụ, trong loại gà này dư lượng kháng sinh cao hơn mức cho phép đến 20%, gây ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Lê Thế Bảo cũng trình bày 1 báo cáo mà Vatap vừa thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là tình hình phân bón, thuốc thú y… giả đang lộng hành tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… Ông cho biết: “Những thứ phân giả, thuốc thực vật giả không chỉ làm bà con thiệt thòi vì mua phải đồ giả, nó còn làm giảm năng suất vụ mùa, ảnh hưởng đến nền kinh tế”.

Ông Lê Thế Bảo phân trần: “Như phân NPK giả mà người ta dùng đất đỏ hay bùn để làm thì còn đỡ, chứ lấy bột đá làm thì càng nguy hiểm, bón vào cà phê là chết hết”. Không chỉ cây mà người cũng chết vì hàng giả. Ông cho biết: “Rượu giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Theo số liệu thống kê từ năm 2007- 8/2012 nước ta đã xảy ra 36 vụ ngộ độc do rượu với số người mắc là 249 người, số người chết là 66 người”.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cũng phản ánh tình trạng sang chiết gas trái phép, chiếm đoạt vỏ chai chứa gas, nhái nhãn hiệu… không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây tai nạn nghiêm trọng cho người sử dụng.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định tình trạng hàng giả lộng hành trong khi công tác phòng chống của lực lượng chức năng chưa hiệu quả là chưa bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Báo cáo về công tác chống hàng giả, hàng nhái, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết năm qua lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt hàng trăm ngàn vụ với số tiền phạt hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà vẫn đánh giá: “Chúng ta có đến 5 lực lượng tham gia công tác này, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát nạn hàng gian, hàng giả”.

Nói về nguyên nhân của thực trạng trên, đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho là chế tài của chúng ta còn nhẹ, trong khi kinh doanh hàng gian, hàng giả lại đem về siêu lợi nhuận nên nhiều người hám lợi mà tham gia. Ông cho biết: “Mỗi kg gà thải loại ở Trung Quốc chỉ có giá 15.000 đồng, về Hà Nội lên đến 60 – 65 ngàn đồng/kg. Vì lợi nhuận quá cao nên thương lái bất chấp mọi thứ đưa về Việt Nam tiêu thụ”.

Ông Trần Hùng thì phân tích tỉ mỉ hơn với 3 nguyên nhân chính là thủ đoạn làm giả quá tinh vi, khó phát hiện; doanh nghiệp có hàng bị làm giả, nhái thì ngại tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh; năng lực của 1 số cơ quan có nhiệm vụ phòng chống hàng giả chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Lê Thế Bảo đưa thêm 1 nguyên nhân là cơ chế chính sách trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái chưa rõ ràng nên chưa phát huy được năng lực của các cơ quan chức năng. Kinh phí hoạt động cũng là 1 vấn đề ông đề nghị Chính phủ lưu ý. Ông đề nghị nên có chính sách cho lực lượng chức năng giữ lại 1 phần số tiền thu được từ hoạt động phá các vụ sản xuất, tiêu thụ hàng gian, hàng giả để phục vụ công tác cho các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, ông Lê Thế Bảo cũng đề nghị các doanh nghiệp, toàn xã hội phải nhận thức rõ tác hại của hàng giả, hàng nhái và cùng tham gia đấu tranh chống vấn nạn này thì mới có hiệu quả cao. Ông cho biết: “Không ai biết rõ hàng giả, hàng nhái hơn chính doanh nghiệp có sản phẩm bị làm nhái, làm giả. Nếu doanh nghiệp tích cực hợp tác với cơ quan chức năng thì công tác phòng chống hàng giả sẽ rất hiệu quả”.

Ông Lê Thế Bảo nêu điển hình: “Chẳng hạn như mặt hàng rượu là 1 trong những mặt hàng bị làm giả rất nhiều và thủ đoạn rất tinh vi, khó phát hiện. Trong thời gian qua, chỉ riêng những vụ việc mà hãng Diageo Việt Nam cung cấp thông tin đã giúp cơ quan chức năng phá 16 vụ làm giả rượu rất lớn”.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng đồng tình: “Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, có những hàng động chống lại việc kiểm tra, kiểm soát của chúng ta. Việc chống hàng gian, hàng giả không chỉ là của các lực lượng được phân công, mà là cuộc chiến của toàn xã hội, của toàn dân. Chỉ có toàn dân, toàn xã hội tham gia thì hoạt động này mới khả thi”.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị các hiệp hội, các ngành hàng cũng phải phối kết hợp để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng gian, hàng giả. Cần tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết được, để cùng nhau chống lại hiện tượng này. Bộ Công thương cũng sẽ có kiến nghị với Chính phủ để tăng cường hơn nữa các chính sách cho các lực lượng chống hàng gian, hàng giả hoạt động tốt hơn.

Tùng Nguyên