1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội tiếp tục giảm phát trong tháng 4

(Dân trí) - Trong tháng 4, Hà Nội tiếp tục giảm phát tháng thứ hai liên tiếp, mức giảm đạt 0,15% chủ yếu do lương thực, thực phẩm giảm giá mạnh và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt...hạ nhiệt do giảm giá gas. Tuy nhiên, vẫn có 7/11 nhóm hàng khác tăng giá.

Lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 40% rổ tính giá nên đà giảm đã kéo CPI xuống mức âm.
Lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 40% rổ tính giá nên đà giảm đã kéo CPI xuống mức âm.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của thành phố tiếp tục giảm 0,15% so tháng trước. Mức tăng so cùng kỳ năm ngoái ở mức 5,6%. 

Chỉ số giá tháng này giảm được lý giải chủ yếu do mức giá ở 2 nhóm hàng thiết yếu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,65% và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14%. 

Trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính giá vẫn có 7 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất và cũng là nhóm hàng duy nhất tăng trên 1% là nhóm giao thông, tăng 1,17%. Hai nhóm hàng có chỉ số giữ bằng tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục. 

Cụ thể, mặt hàng lương thực giảm nhẹ so tháng trước 0,03%. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng không tăng vì thời tiết bắt đầu nóng, dịch cúm gia cầm đang bùng phát trên thế giới và một số địa phương trong nước đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều giảm. 

Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giầy dép tăng nhẹ 0,21% do bắt đầu vào mùa hè, nhu cầu tăng nên các mặt hàng quần áo mùa hè tiêu thụ cao hơn bình thường.

Chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14% do giá gas đầu tháng 4 giảm khoảng 20.000 đ/kg. Từ đầu năm đến nay giá gas đã 4 lần giảm, hiện giá gas được bán khoảng 350.000 – 380.000 đ/bình (loại 12 kg) tùy theo từng hãng.

Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng giảm 2,8% và chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,05% so tháng trước.

Cũng trong tháng này, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến đạt 913.822 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 1,9% so tháng 12/2012. Tổng dư nợ cho vay dự kiến tăng 1,8% so tháng trước lên 633.424 tỷ đồng và bằng 97% so tháng 12/2012.

Như vậy trong khi nguồn vốn chảy vào ngân hàng tăng thì tín dụng ở Hà Nội vẫn giảm 3%.
Bích Diệp